ĂN DẶM TỰ CHỈ HUY – BABY LED WEANING

Trong những năm gần đây, rộ lên phong trào cho trẻ ăn dặm qua phương pháp “ăn dặm tự chỉ huy” – viết tắt là BLW, mà khởi đầu mạnh nhất đặc biệt là ở Anh và New Zealand. Vậy thật sự tính chất của “ăn dặm tự chỉ huy” là gì, và những tranh luận gần đây nhất về phương pháp này, cũng như các khuyến cáo của các nước về phương pháp này rasao, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

Hiện nay, đa số các tổ chức y tế đều đồng ý với khuyến cáo cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn tối thiểu đến 6 tháng tuổi,và bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi trở đi. Các hội đồng nhi khoa Mỹ, Úc, Canada, và NeZealand, cũng như nhiều quốc gia khác đều nhất trí với khuyến cáo chung là sẽ cho trẻ bắt đầu ăn dặm bằng các loại thức ăn, đặc biệt chú trọng đến các thức ăn giàu chất sắt (gồm thịt, các loại thay thế thịt (vd như đậu), và các loại ngũ cốc bổ sung sắt dành cho trẻ nhũ nhi) như là các thức ăn đầu tiên cho trẻ. Dạng thức ăn đầu tiên được khuyến cáo là các loại thức ăn được nghiền nhuyễn (pureed), dầm nát (mashed up). Sau đó là sự chuyển đổi dạng thức ăn nhanh chóng sang các loại thức ăn lợn cợn, bằm, xắt nhỏ, vân vân, trong khoảng từ 6 tháng đến 8 tháng tuổi, với mục tiêu trẻ có thể tự cầm ăn được các thức ăn dạng ngón tay (finger food) vào khoảng 9 tháng tuổi. Và đây được xem là phương pháp cho ăn “truyền thống”. Việc cho trẻ ăn theo nhu cầu, khi trẻ đói, háo hức mở miệng đớp thức ăn, và ngưng khi trẻ có biểu hiện no – quay đầu đi nơi khác, ngậm miệng lại, tỏ vẻ khó chịu khi tiếp tục được cho thêm thức ăn – là một trong những điểm nhấn mạnh trong thực hành cho ăn truyền thống này.

BLW được khởi đầu từ một nghiên cứu quan sát rất nhỏ, gồm 5 trẻ nhũ nhi, về cách cho ăn theo nhu cầu, và cho thấy trẻ từ 6 tháng tuổi có những kỹ năng vận động cần thiết để tự cho ăn những mẫu thức ăn nhỏ. Mặc dù nghiên cứu này sau đó không được đăng báo một cách chính thống, sau nghiên cứu này, một quyển sách về BLW đã được xuất bản, và khái niệm BLW chính thức ra đời.

BLW khác so với khuyến cáo hiện nay ở chỗ nhảy qua luôn giai đoạn đút trẻ ăn ban đầu, và bỏ qua giai đoạn thức ăn nghiền nhuyễn và dầm nát, hơi lợn cợn. Trẻ theo phương pháp BLW sẽ được cho ăn các thức ăn dạng ngón tay, và trẻ sẽ tự cầm đút ăn ngay từ ngày đầu ăn dặm. Trẻ cũng sẽ được ngồi ăn chung với gia đình, ăn các loại thức ăn từ bữa ăn gia đình, ngay từ khi 6 tháng tuổi. Hai tác giả Rapley và Murkett của quyển sách tiên phong về BLW, được sản xuất từ năm 2008, lý luận rằng, trẻ ăn theo pp BLW có cơ hội khám phá, tìm hiểu thức ăn với các dạng khác nhau nhanh hơn, đa dạng hơn so với pp truyền thống. Đồng thời, họ nghĩ rằng việc đút trẻ ăn dặm bằng thức ăn nghiền nát có thể làm cho trẻ nhợn nhiều hơn, và ba mẹ sẽ có xu hướng cho trẻ ăn nhiều hơn, dễ “ép” ăn, và vì vậy, có thể dẫn đến cách cho ăn không lành mạnh về sau, có thể tăng nguy cơn dư cân và béo phì cho trẻ.

Những lợi ích của BLW được đưa ra là: đây là phương pháp cho ăn hứng thú hơn, tự nhiên hơn cho trẻ, giúp con trẻ tự khám phá và tin tưởng tức ăn, cũng như tự học cách ăn uống an toàn, đồng thời lại đơn giản, tiện lợi, và rẻ tiền hơn cho ba mẹ. Trường phái BLW tin rằng trẻ sẽ tự tin hơn trong việc tự cho ăn, phát triển kỹ năng tự ăn tốt hơn, đồng thời sẽ giúp trẻ có nhiều dinh dưỡng hơn, kiểm soát được khẩu vị, và có tác động tốt lên sức khỏe về lâu dài, cũng như sẽ có cách ăn uống lành mạnh và hợp lý hơn khi còn nhỏ và khi trưởng thành.

Phương pháp BLW lý tưởng bao gồm 6 tháng đầu tiên bú sữa mẹ hoàn toàn, và bắt đầu ăn dặm bằng thức ăn dạng cầm nắm, cho trẻ tự ăn từ 6 tháng trở đi. Nói cách khác, BLW khuyến khích việc tôn trọng ý kiến, nhu cầu riêng của trẻ trong ăn uống, và cho trẻ toàn quyền quyết định trong việc ăn uống từ lúc sinh ra.

Một điều đáng nói là, mặc dù hiện nay BLW được thực hành rất rộng rãi, và những lợi ích của BLW rất được nhiều người tin tưởng, gần như KHÔNG CÓ MỘT NGHIÊN CỨU CHUẨN NÀO để đánh giá, và xác định lại những lợi ích, ít nhất là về sức khỏe và dinh dưỡng, mà phương pháp này “khẳng định”!!!

Và một điều nên xem xét, là, mặc dù trong xã hội nói chung khá thích phong trào này, hiện nay, trong giới chuyên môn y khoa vẫn còn rất dè dặt, và khá quan ngại với những nguy cơ tiềm ẩn cho trẻ sử dụng BLW. Vậy thì, các hội đồng chuyên khoa lo lắng về vấn đề gì của BLW, và đã có những bằng chứng gì ủng hộ quan ngại này?

Đây là những mối quan tâm của các tổ chức về BLW:

ĐỘ AN TOÀN VÀ NGUY CƠ MẮC NGHẸN THỨC ĂN:
• Để tự cho ăn, trẻ phải tự ngồi vững không cần vịn, và có thể cầm nắm thức ăn. Nghiên cứu quan sát cho thấy 87% trẻ từ 6-7 tháng tuổi sẽ có được kỹ năng cầm nắm thức ăn bằng tay, trong khi gần 96% trẻ 7-8 tháng tuổi sẽ có được kỹ năng này. Vì vậy, phần lớn trẻ 6 tháng tuổi có thể tự mình ăn được. Tuy nhiên, nên nhớ, cũng có khoảng hơn 10% trẻ 6 tháng tuổi sẽ chưa sẵn sàng cho việc tự ăn.
• Nguy cơ mắc nghẹn là một nguy cơ theo logic, sẽ tăng khi trẻ nhỏ đột ngột phải tự đút ăn các thức ăn lớn, nhiều dạng mềm cứng khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy 1/3 ba mẹ của trẻ BLW báo cáo có xảy ra hiện tượng nghẹn khi ăn, ít nhất là một lần, nhưng trẻ tự tống thức ăn ra miệng được, và không cần hỗ trợ. Một nghiên cứu khác, cho thấy báo cáo chỉ 6% trường hợp có mắc nghẹn, nhưng cũng trẻ cũng tự xử.

NGUY CƠ THIẾU SẮT
• Các nghiên cứu quan sát cho thấy, trẻ theo BLW thường có xu hướng được cho ăn ít các loại thức ăn giàu sắt hơn, và ít thường xuyên hơn, so với trẻ theo kiểu ăn truyền thống. Gần như đa số các trường hợp BLW sẽ bắt đầu bằng các loại rau quả, trái cây trước. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu trực tiếp nào về nguy cơ thiếu sắt ở trẻ BLW.

NGUY CƠ KHÔNG ĐỦ NĂNG LƯỢNG CUNG CẤP CHO TĂNG TRƯỞNG
• Đây là một quan tâm lớn của các chuyên gia y tế và dinh dưỡng. Mặc dù trẻ từ 6 tháng có thể tự cho ăn, trẻ có thể không đủ “sức” để duy trì việc tự cho ăn cho đủ nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Nếu trẻ không đủ sức duy trì việc tự ăn theo đúng nhu cầu, trẻ có thể có nguy cơ không tiêu thụ đủ năng lượng và dưỡng chất, và có thể gây thất bại tăng trưởng.
• Một điều cần lưu ý nữa, là từ 6 tháng tuổi trở lên, trẻ sẽ không còn miễn dịch từ mẹ tốt, và bắt đầu bị bệnh vặt thường xuyên. Thống kê ở độ tuổi 12-24 tháng cho thấy trung bình một trẻ có khoảng 13 đợt “không khỏe” một năm. Ở những giai đoạn bệnh này, trẻ sẽ giảm thèm ăn, và không buồn tự ăn như khi khỏe nữa. Nếu vẫn cứng nhắc theo BLW lúc này, có thể gây hại cho trẻ.
• Hiện nay chưa cho một nghiên cứu nào đủ lớn, đủ tốt, để đánh giá nguy cơ này. Tuy nhiên, một nghiên cứu quan sát cho thấy nhóm BLW có chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) thấp hơn hẳn so với nhóm cho được đút ăn, và nhóm BLW có nhiều trẻ được đưa vào nhóm nhẹ cân hơn (trong khi nhóm cho ăn truyền thống không thấy có trẻ nào bị nhẹ cân), đồng thời nhóm đút ăn có nhiều trường hợp bị thừa cân hơn.
• Các nhóm chuyên gia cũng gợi ý rằng, ở những trẻ BLW, ba mẹ nên linh động, xem xét việc đút muỗng, hỗ trợ bé ăn nếu thấy bé ăn không đủ so với nhu cầu, nhất là trong giai đoạn bệnh.

Một giá trị cần thừa nhận tốt ở BLW là việc khuyến khích phát triển hầu họng và nhai sớm ở trẻ, cũng như việc cho ăn theo nhu cầu. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, các khuyến cáo hiện nay về cách cho ăn đút muỗng ban đầu cũng nhấn mạnh đến cho ăn theo nhu cầu trẻ.

Vậy thì, các hội đồng y khoa đứng ở đâu trong thực hành BLW?

• Chưa thấy ý kiến của hội đồng nhi khoa Mỹ về pp này.
• Hội đồng dinh dưỡng nhi khoa Canada: đưa ra lo lắng, đồng thời khuyến cáo thêm nhiều nghiên cứu về lợi hại, và kết luận có thể không cần một phương pháp cứng nhắc nhất định nào, mà nên theo tiến độ phát triển kỹ năng và tình trạng khỏe/bệnh của từng trẻ một mà xem xét điều chỉnh thực hành BLW cho hợp lý
• Bộ y tế New Zealand: thì dứt khoát hơn, ra công bố rằng hiện nay, bộ y tế NewZealand không khuyến cáo việc sử dụng BLW cho trẻ con New Zealand. Cần có thêm bằng chứng trước khi xem xét thông qua!
• Tại Úc: gần như không có bàn luận gì chính thống. Một guidelines của bệnh viên Hoàng Gia Nhi về dinh dưỡng cho cộng đồng chỉ nói rất chung chung về BLW, và không có kết luận gì cả.
• Tất cả các khuyến cáo cho ăn ở trẻ Nhũ Nhi của các hội đồng nhi khoa lớn hiện nay đều giữ vững lập trường cho ăn dặm “truyền thống” như kể ở phần đầu, và như đã được nói ở ba phần cho ăn mới đây.
• Ý kiến của bản thân (mạn phép): theo thiển ý, thì việc cho ăn giống như bạn cho trẻ tập đi xe đạp vậy. Ban đầu thì cho đi hai bánh xơ cua, sau đó bỏ dần từng bánh xơ cua rồi mới cho đi luôn không vịn nữa. BLW nhìn chung, giống như cho trẻ đùng một phát tự đạp xe hai bánh, nên có nhiều trẻ lọng ngọng có thể trầy xước lung tung giữa đường! Nhưng làm sao thì làm, miễn là theo dõi trẻ cho tốt, và nên linh động. Nếu trẻ chưa sẵn sàng, hoặc phát triển kỹ năng chậm hơn các bạn khác, mà vẫn cố bắt leo lên xe hai bánh đạp chơi chơi thì hơi tội cho con nó quá!

Chúc các bạn vui,

Nguồn: Bs. Huyên Thảo.

Bình luận
Mục tiêu

Nhìn nhận con người toàn diện

Ý chí – Tình cảm – Suy nghĩ

Làm điều đúng vào thời điểm đúng

Tự do trong dạy và học

Giữ gìn bản sắc, văn hoá dân tộc

Đồng hành cùng phụ huynh

DMCA.com Protection Status