Trẻ con càng lớn càng khiến bố mẹ luyến tiếc về quá khứ đẹp đẽ. Hình ảnh đứa trẻ ngây ngô, đáng yêu như thiên thần nay còn đâu, thay vào đó là một đứa trẻ bất trị, tính khí hung hăng và ném đồ vật khắp nơi. Bố mẹ càng ngăn cấm thì trẻ càng làm ngược lại như thể “trêu ngươi” bố mẹ. Đối mặt với tình huống này, nhiều phụ huynh thường điên tiết đánh mắng trẻ, sau đó họ liền cảm thấy hối hận về hành vi của mình.
Bố mẹ cần nhớ, càng đánh mắng càng khiến trẻ trở nên kém cỏi
Đối với nhiều bậc phụ huynh, quá trình dạy dỗ con trẻ là hành trình gian nan và lắm nỗi thất vọng. Khi trẻ còn nhỏ, trẻ rất đáng yêu và quấn quýt bên bố mẹ như cún con. Bố mẹ rất kỳ vọng và mong muốn khi con khôn lớn có thể khiến bố mẹ tự hào.
Thế nhưng, khi trẻ được 4 – 5 tuổi, sự kỳ vọng của bố mẹ đã sụp đổ tan tành. Lúc mẹ mặc cho con bộ quần áo sạch sẽ, mẹ sẽ chẳng ngờ chỉ vài tiếng sau, trẻ đã vấy bẩn bộ quần áo khiến mẹ “nhức mắt” và chỉ muốn lôi ra đánh đòn.
Trẻ bắt đầu cãi lời và lý sự khiến bố mẹ vừa tức vừa buồn cười. Khi trẻ phạm lỗi, trẻ vẫn có thể nghĩ ra những lý do ngớ ngẩn để đôi co với bố mẹ. Bố mẹ chẳng còn cách nào, ngoài việc tặc lưỡi và tự thuyết phục rằng, đứa trẻ nào cũng lì lợm như thế.
Điều khiến bố mẹ phiền lòng là càng quản con càng bất trị. Nếu bố mẹ nói chuyện nhẹ nhàng thì y như rằng con sẽ lấn lướt bố mẹ. Cho dù bố mẹ nghiêm khắc trách mắng và con đã biết nhận lỗi, thế nhưng vài ngày sau, mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Thực tế, đa phần trẻ con không hẳn là tiểu yêu nghịch ngợm, chẳng qua là bố mẹ kết nối với trẻ thông qua phương pháp không chính xác. Nếu muốn con trở nên ngoan ngoãn, bố mẹ cần áp dụng một vài phương pháp sau đây.
1. Yêu cầu hay mệnh lệnh chỉ cần nói 1 lần
Khi trẻ mê say chơi game trên ipad và quên làm bài tập, hoặc trẻ dán mắt vào tivi và không muốn ăn cơm. Nhiều bậc phụ huynh thường càm ràm và đe dọa trẻ, chẳng hạn: “Nếu con vẫn cầm ipad, mẹ sẽ đập nát cái ipad”, “Con vẫn chưa đến ăn cơm à? Mẹ gọi rất nhiều lần rồi đấy”.
Các bậc phụ huynh cần nhớ, những điều được nhắc lại quá nhiều lần sẽ khiến trẻ nhàm tai và khó lòng sửa đổi.
Mệnh lệnh hoặc yêu cầu càng đơn giản càng có sức nặng.
Lần tới, khi bố mẹ yêu cầu trẻ tắt tivi và đến ăn cơm, có thể thực hiện như sau:
Bước đầu tiên, bố mẹ phải dừng ngay việc đang làm, và bước đến trước mặt trẻ.
Bước thứ hai, khi trẻ ý thức được bố mẹ đang nhìn chúng chằm chằm, bố mẹ hãy nói câu này và đừng lặp lại nhiều lần: “Con nên tắt tivi và đến ăn cơm”.
Bước thứ ba, nếu trẻ vẫn lì lợm, bố mẹ vẫn nhìn trẻ chằm chằm, cho đến khi trẻ bối rối hoặc chịu thỏa hiệp với bố mẹ.
Thời điểm này, khi trẻ tỏ ra nghe lời, bố mẹ cần khuyến khích: “Bố mẹ biết con là một đứa trẻ ăn cơm đúng giờ”.
2. Thừa nhận cảm xúc của trẻ
Trẻ con còn nhỏ nên chưa biết cách diễn đạt cảm xúc, khi trẻ không vui sẽ thể hiện bằng cách giận dỗi bố mẹ. Nếu trẻ bướng bỉnh không nghe lời bố mẹ, bố mẹ có thể hỏi: “Bây giờ con đang rất giận đúng không? Con cảm thấy không hài lòng đúng không?”. Đây là cách bố mẹ nên làm để giúp trẻ nói lên suy nghĩ của chính mình, giúp trẻ nhận ra bố mẹ đang quan tâm và thấu hiểu mình.
3. Trước khi phê bình, bố mẹ nên nhắc nhở con
Bố mẹ có thể nhắc nhở trẻ thế này: “Bây giờ bố mẹ rất buồn về con, trước kia con là một đứa trẻ ăn cơm đúng giờ, nhưng hiện nay con chỉ biết dán mắt vào tivi”. Nhắc nhở trước, phê bình sau sẽ giúp trẻ có tâm lý chuẩn bị. Trẻ sẽ nhận thức hành động của trẻ khiến bố mẹ buồn phiền, và nếu trẻ tiếp tục sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
4. Cho trẻ cơ hội lựa chọn
Mỗi khi trách mắng trẻ, nhiều bậc phụ huynh sẽ hỏi: “Con biết mình sai ở đâu không?”.
Thực tế, khi bố mẹ trách mắng trẻ, trẻ thường không biết trẻ đã làm sai điều gì, càng đừng nói đến chuyện trẻ sẽ sửa đổi. Thời điểm này, bố mẹ giận dữ trách mắng trẻ được xem là hành động vô ích, bởi trẻ vẫn chưa nhận thức được lỗi lầm của mình.
Điều bố mẹ cần làm là cho trẻ cơ hội được lựa chọn. Chẳng hạn như:
“Con có 2 lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là, con tiếp tục xem tivi nhưng không được xem tivi vào tuần sau. Lựa chọn thứ hai là, con tắt vivi ngay bây giờ, nhưng bù lại mỗi ngày con sẽ được xem tivi nửa tiếng đồng hồ. Con chọn điều nào?”.
Dạy dỗ con trẻ là một hành trình càng vội vàng càng không thu được kết quả, các bậc phụ huynh cần có thái độ bình tĩnh, nhẫn nại để rèn luyện trẻ trở nên tốt hơn.
Nguồn: Theo Cmoney