Tại sao lại có ráy tai?
Ráy tai được tạo ra từ các tế bào lót ống tai, là đoạn nối giữa vành tai và phần tai giữa. Ráy tai được tạo ra thường xuyên và mọi lúc, vì vậy ráy tai là một chuyện bình thường.
Ráy tai có nhiều chức năng quan trọng:
– Giúp bảo vệ màng nhĩ và ống tai
– Chống thấm cho ống tai, giúp giữ cho tai khô
– Ngăn ngừa vi trùng gây nhiễm trùng.
– Giúp “bẫy” bụi bẩn, bảo vệ màng nhĩ không bị viêm, khích thích.
Ráy tai mới có tính chất mềm và màu vàng, ráy tai cũ khô hơn và chuyển sang màu nâu hoặc đen. Sau khi được tạo ra, ráy tai sẽ từ từ đi qua ống tai ngoài đến lỗ tai, rơi ra hoặc trôi ra khi tắm.
Do đó, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không cần làm gì để lấy ráy tai cho trẻ.
Chăm sóc tai cho trẻ như thế nào?
Ba mẹ chỉ nên lau bên ngoài tai bằng khăn lau.
Không sử dụng tăm bông, ngón tay hoặc bất cứ thứ gì khác chọc vào tai vì:
– Nguy cơ làm tổn thương ống tai và màng nhĩ mỏng manh.
– Sẽ đẩy ráy tai vào sâu hơn
– Có thể gây nhiễm trùng cho tai
Chỉ nên lấy ráy tai nếu có các triệu chứng: giảm thính lực, khó chịu, ráy tai quá nhiều hoặc gây tắc nghẽn trong ống tai.
Và việc lấy ráy tai cho trẻ nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.
Cách phòng chống tắc nghẽn ráy tai
Không ngoáy tăm bông vào ống tai, vì sẽ đẩy ráy tai sâu hơn vào ống tai.
Không cố gắng lấy ráy tai bằng dụng cụ lấy ráy tai mà chưa được hướng dẫn bơi bác sĩ chuyên khoa vì có thể làm trầy xước ống tai và gây nhiễm trùng.
Nếu tất cả ráy tai được lấy ra sẽ làm cho ống tai bị ngứa, kích thích đặc biệt đối với những bé thường đi bơi vì ráy tai giúp thấm nước.
Hạn chế sử dụng nút tai (ví dụ như tai nghe) vì sẽ cản trở ráy tai rơi ra ngoài.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám tai?
– Ba mẹ thấy tai trẻ chảy máu hoặc dịch vàng, xanh (mủ);
– Trẻ than đau tai, sốt hoặc giảm thính lực (nghe không rõ, nghe kém);
– Ba mẹ nghi ngờ có dị vật trong tai của trẻ;
– Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: bấu, giựt tai có thể là dấu hiệu của vấn đề về tai, cần được đưa đi khám bác sĩ.