Tuy nhiên, khi tìm hiều việc học bơi của trẻ nhỏ ở nhiều nước khác, ta thấy trẻ sơ sinh được học bơi lúc mới lọt lòng mẹ, từ lúc 7-10 ngày tuổi, khi cuống rốn chưa rụng hẳn. Các clip về trẻ sơ sinh bơi lội có trên Youtube, Internet… cho thấy, trẻ sơ sinh được học bơi rất sớm và các bé bơi thật mềm mại, uyển chuyển, mắt mở to, miệng cười tươi, sảng khoái mà không hề lo bị sặc nước.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn hướng dẫn cho hai bé mẫu giáo sợ nước tập bơi. Ảnh: EB. |
Ở các nước, dịch vụ dạy trẻ sơ sinh bơi lội rất phát triển. Tại các lớp này, trẻ được học rất nhiều kỹ năng để rồi các bé có thể bơi chìm đầu trong nước, lúc mệt lật mình nằm thở trên lưng, rồi lại úp mình bơi tiếp cho tới khi tới bờ… Và ta thấy trẻ sơ sinh bơi một kiểu rất khác so với trẻ 6-7 tuổi.
Bơi của trẻ sơ sinh là một kiểu bơi đặc thù được tạo hóa ban tặng, dựa trên rất nhiều phản xạ bơi lội bẩm sinh được di truyền từ động vật có vú. Tạo hóa đã cho trẻ sơ sinh biết bơi từ trong bụng mẹ, việc còn lại của người lớn là kích hoạt và duy trì những phản xạ bơi lội này mà thôi. Tiếc là người lớn chúng ta không có kiến thức về trẻ sơ sinh bơi lội nên đã tước đoạt khả năng bơi lội và cơ hội phát triển toàn diện về thể chất và trí óc của các bé.
Ở Việt Nam, hiện vẫn hiếm có người cho trẻ sơ sinh học bơi, dù vậy những gì trẻ sơ sinh Việt Nam đạt được, thông qua các ông bố bà mẹ dũng cảm cho con học bơi, không khác gì với những gì mà trẻ sơ sinh nước ngoài. Có thể khẳng định rằng trẻ sơ sinh của ta có thể học bơi, học bơi ngay ở nhà trong lúc tắm gội, hay ở trong một số bể bơi có sẵn đủ điều kiện vệ sinh, an toàn.
Rõ ràng là định kiến của người lớn về việc học bơi là học bơi ếch, bơi trườn sấp đã ngăn không cho chúng ta đưa trẻ ở lứa tuổi thấp hơn 6-7 tuổi, ví dụ trẻ sơ sinh, mẫu giáo tìm học một kiểu bơi khác.
Các lứa tuổi khác nhau có sự phát triển trí óc và thể chất khác nhau và việc dạy bơi cho từng lứa tuổi phải khác nhau:
Đối với trẻ sơ sinh dưới 18 tháng tuổi, trí óc và thể chất của trẻ chưa phát triển. Bù lại các bé sở hữu hai phản xạ bơi lội bẩm sinh được di truyền từ động vật có vú. Đó là phản xạ tự đóng nắp khí quản khi đầu chìm vào nước và khua chân quạt tay bơi lội trong môi trường nước. Chính vì vậy ta có thể thấy các bé bơi lội vui vẻ, miệng mở, mắt mở không hề sợ nước. Và các bé cũng bơi lội mềm mại, bản năng, chứ không hùng hục cơ bắp như người lớn. Đây là lứa tuổi học bơi dễ nhất và các bé không sợ nước như người lớn nghĩ. Tiếc rằng bố mẹ Việt Nam không biết những điều này, thường nghĩ bé sợ nước như mình và bỏ qua mất “quãng thời gian vàng” này.
Sang tới lứa tuổi mẫu giáo, trí óc và thể chất của trẻ đã phát triển hơn so với trẻ sơ sinh. Tưởng như việc học bơi sẽ dễ hơn, nhưng không phải vậy. Lứa tuổi này là lứa tuổi học bơi khó nhất, nếu trẻ không được học bơi từ khi còn bé. Trẻ mẫu giáo có nhận thức phát triển hơn. Các bé có thể hoặc sợ nước, hoặc nếu không sợ nước thì lại quá hiếu động, khó tập trung để học những gì được dạy. Xuống nước, trẻ hiếu động, không sợ nước thường quẫy đạp loạn xạ nên nhanh mất sức, khó học cách bơi lội uyển chuyển, nhuần nhuyễn, mềm mại như trẻ sơ sinh. Bé nào sợ nước thì chỉ chơi loanh quanh ở chỗ nông, chơi với phao, và rất ngại bị nước bắn vào đầu vào mặt, không chịu làm những gì cần làm…
Dạy trẻ mẫu giáo cần rất kiên trì, cần có giáo trình và tiến độ học tập phù hợp cho từng em. Ở các bé mẫu giáo, các phản xạ bơi lội bẩm sinh đã mất đi, còn trí óc phát triển lại chưa đủ để các bé có thể điều khiển hành vi cơ thể làm theo những điều giáo viên muốn. Các bé mẫu giáo khó có thể biết bơi trong một vài tuần, mà bố mẹ thì luôn sốt ruột hỏi học mấy buổi thì con tôi biết bơi. Nếu được dạy, kiểu bơi mà trẻ mẫu giáo nên học là bơi tự cứu, bơi chó chìm đầu trong nước, thả nổi… như trẻ sơ sinh, chứ không phải là học bơi ếch và bơi trườn sấp.
Tới tiểu học thì việc học bơi của trẻ đã dễ hơn nhiều. Thể chất và trí óc đã đủ để trẻ học bơi ếch, bơi trườn sấp… Tuy nhiên, hai kiểu bơi này khá khó, học nhanh cũng mất 5-7 buổi, lâu thì 15-20 buổi. Cũng có em học vài khóa mà vẫn không bơi được. Tốt nhất là dạy các em kiểu bơi tự cứu rồi mới học bơi ếch hay bơi trườn sấp. Bơi tự cứu rất dễ học, chỉ là dùng tay nhô lên hụp xuống để tồn tại lâu dài dưới nước. Chỉ cần học 3 ngày là có thể bơi tốt.
Bố mẹ nên chú ý và chuẩn bị gì khi cho con đi học bơi?
Ngoài việc cần chọn bể bơi tốt, nước sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn, có lực lượng cứu hộ tốt, thầy giáo uy tín, giá cả phải chăng,.. bố mẹ cần quan tâm tới việc mua đủ quần áo bơi, nút tai, kính bơi hay mũ bơi cho các bé gái tóc dài. Khi mua kính bơi phải chú ý, mắt kính và gioăng cao su phải úp khít vào hốc mắt của trẻ, như vậy nước mới không lọt vào. Nhiều bố mẹ cứ nghĩ kính đắt tiền là tốt mà quên không chú ý tới việc kính có vừa hay không. Trẻ nhỏ cũng nên có thói quen dùng nút tai để ngăn nước lọt vào tai. Khi xuống nước, bất cứ điều gì gây khó chịu cho trẻ như nước vào mắt, nước vào tai, tóc xòa xuống mặt… cũng làm trẻ phân tâm, học bơi khó hơn.
Các bố mẹ cũng không nên cho con ăn no, hay để con đói trước khi xuống nước học bơi. Vào mùa hè, nên chọn các bể bơi có mái che, hoặc đợi khi trời mát mới nên cho trẻ học bơi tránh cảm , say nắng… Mùa đông nên chọn các bể trong nhà, có nước ấm. Khi bơi xong, cần tắm cẩn thận, rửa trôi nước bể bơi có hóa chất; trẻ cần mặc ấm, tránh gió lùa và nhỏ mắt, mũi bằng nước muối 0,9%…
Những lý do gì khiến trẻ khó học bơi hoặc học mãi chưa biết bơi?
Có nhiều lý do khiến trẻ sợ học bơi, hoặc học mãi không bơi được. Đó là có thể là:
– Do trẻ mắc bệnh sợ nước. Bệnh sợ nước hình thành do trẻ bị ám ảnh bởi một tai nạn hay sự cố với nước, có thể là trực tiếp trải nghiệm (suýt sặc, suýt đuối nước…) hay gián tiếp thông qua phim ảnh, nghe người lớn kể… Đây là kiểu sợ nước tâm lý, bệnh này có thể chữa được, chỉ cần kiên trì luyện tập. Cũng có người sợ nước bệnh lý với biểu hiện cứ xuống nước là tim mạch loạn nhịp, huyết áp tụt, thân nhiệt tụt… Bệnh sợ nước này phải điều trị bằng thuốc và các phương pháp y hóa lý… mới khỏi.
– Do trẻ học bơi không đúng trình tự, học nhảy cóc, cái khó học trước; dễ – cơ bản học sau… Trong bơi lội, thở là kỹ năng cơ bản nhất, quan trọng nhất, nhưng lại được ít người chú ý. Nhiều người xuống nước chỉ học thở qua loa rồi cắm đầu vào luyện quạt tay đạp chân. Họ đâu biết khi đầu óc còn bị chi phối bởi chuyện sặc nước thì khó có thể điều khiển cho tay chân quạt đúng, đạp đúng. Và thế là họ nín thở khua đạp loạn xạ cho tới khi không nhịn thở được nữa thì dừng lại. Thở trong bơi lội khác với thở trên cạn: Trên mặt nước thở vào bằng mồm còn dưới mặt nước hoặc nín thở, hoặc thở ra bằng mũi/miệng. Có thể nói biết thở là biết bơi 70%. Kỹ năng đơn giản này đôi khi cần luyện 2-3 buổi mới quen được.
– Do trẻ quá hiếu động (lứa tuổi mẫu giáo), khó điều khiển được hoạt động cơ thể để làm theo những gì giáo viên hướng dẫn;
– Do phương pháp dạy không phù hợp với lứa tuổi… Thực tế cho thấy ở Việt Nam hiện nay, người ta thường đợi trẻ tới 6-7 tuổi để dạy bơi ếch và bơi trườn sấp. Đây là hai kiểu bơi khó, cần sức khỏe và cần nhiều thời gian. Dù có bơi được, các bé cũng bơi rất vất vả và khó bơi đúng kỹ thuật. Nếu dạy các bé bơi tự cứu thì sẽ nhanh hơn nhiều. Khi biết bơi tự cứu thì học bơi ếch và bơi trườn sấp cũng dễ hơn.
TheoTiến sĩ Phạm Anh Tuấn
Giám đốc Trung tâm E-Bơi (Hà Nội)