CON NÊN ĂN GÌ CHO ĐÚNG?

Các hội đồng nhi khoa đều thống nhất khuyến cáo bắt đầu cho trẻ ăn dặm vào khoảng 6 tháng tuổi. Đây là thời điểm trẻ thường đã rất sẵn sàng để “nếm” thức ăn, thử thách với những mùi vị mới lạ, và cũng là thời điểm mà việc cho bú mẹ hoàn toàn hoặc bú sữa công thức hoàn toàn trở nên không đủ về mặt năng lượng và vi dưỡng chất, cũng như không phù hợp với “luyện tập” cho phát triển hành vi cho trẻ nữa.

Tại sao lại chọn thời điểm 6 tháng tuổi, mà không chọn thời điểm khác?

Nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm, vd 4 tháng, 5 tháng tuổi, sẽ có những vấn đề sau:
• Trẻ sẽ bú ít hơn (nếu bú mẹ), và có thể làm giảm sản xuất sữa mẹ, đồng thời có thể dẫn đến suy dinh dưỡng trong một số trường hợp, vì lúc này, sữa mẹ/sữa công thức vẫn còn là nguồn dinh dưỡng chính phù hợp nhất cho đường ruột của trẻ. Một số bà mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều bột/thức ăn hơn cần thiết, làm giảm nhu cầu bú sữa, trong khi ruột của trẻ còn quá non nớt để có thể tiêu thụ thức ăn hiệu quả.
• Lúc này, trẻ vẫn còn phản xạ lè lưỡi khá mạnh. Vì vậy, khi đút muỗng vào cho trẻ, trẻ sẽ tự động lè lưỡi đẩy muỗng ra theo phản xạ, làm ba mẹ có thể tưởng lầm là trẻ từ chối thức ăn.
• Bú mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi giúp giảm nguy cơ dị ứng thức ăn.
• Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ bị tiêu chảy nhiều hơn, nếu lỡ nhiễm vi khuẩn/virus từ nguồn thức ăn được cho ăn vào.

Nếu cho trẻ ăn dặm quá trễ, vd 8 tháng, 9 tháng tuổi, sẽ lại có những vấn đề:
• Bú mẹ hoặc bú sữa công thức toàn toàn sau 6 tháng tuổi không đủ cung cấp nhu cầu cho trẻ tăng trưởng, vì vậy, tăng trưởng của trẻ có thể bị ảnh hưởng.
• Các vi dưỡng chất, đặc biệt là sắt và kẽm, lúc này có thể sẽ bị thiếu hụt, nếu trẻ không được cung cấp thêm từ thức ăn dặm.
• Hoạt động miễn dịch của trẻ có thể bị ảnh hưởng.
• Làm chậm kỹ năng vận động của trẻ vd như nhai, nuốt, và cho ăn dặm càng trễ, trẻ càng khó chấp nhận các mùi vị, các loại thức ăn (mềm, cứng) khác nhau.
• Có bằng chứng cho thấy cho ăn dặm trễ làm tăng nguy cơ dị ứng.

KHI BẮT ĐẦU CHO ĂN DẶM, NÊN BẮT ĐẦU CHO TRẺ THỨC ĂN GÌ?

Nếu tìm hiểu, các bạn sẽ thấy có rất nhiểu cách để bắt đầu cho trẻ ăn dặm, và thức ăn được lựa chọn làm thức ăn đầu tiên cho trẻ sẽ thay đổi tùy theo từng nước, từng nền văn hóa, và tùy từng gia đình riêng lẻ. Tuy nhiên, đây là những qui tắc chung:

1. Bắt đầu bằng những thức ăn chứa sắt – đây là nguyên tố quan trọng cho phát triển và tăng trưởng của trẻ. Những thức ăn này bao gồm: thịt đỏ, thịt trắng (gà, vịt), lòng đỏ trứng, và đậu hũ, các loại đậu nấu chín (legumes). Bạn cũng có thể cho trẻ ăn các loại ngũ cốc có bổ sung sắt, như gạo và lúa mạch. Các loại rau củ, trái cây, và các sản phẩm từ sữa bò có thể được thêm vào.
2. Không cần thiết có một thứ tự đặc biệt nào trong việc giới thiệu thức ăn cho con trẻ. Hiện nay, việc tránh các loại thức ăn bất kỳ nào, như cá, trứng, hoặc đậu phộng ở trẻ trên 6 tháng tuổi nhằm phòng ngừa dị ứng ở trẻ KHÔNG CÒN ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH NỮA. Ngay cả khi trẻ có thể có nguy cơ dị ứng cao khi có tiền sử dị ứng ở ba mẹ, hoặc anh chị em của trẻ. Nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn không chắc chắn.
3. Khi giới thiệu thức ăn dễ gây dị ứng (vd trứng, đậu, hải sản….), nên chỉ giới thiệu một loại trong một ngày, và đợi tối thiểu 2 ngày rồi mới giới thiệu loại dễ dị ứng khác. Điều này giúp chúng ta phát hiện được thức ăn gây dị ứng dễ hơn, nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng.
4. Nên tránh cho thêm đường, muối, hoặc gia vị trong thời điểm này. Thận của trẻ còn non, không thể thải muối dư ra được. Đồng thời, ăn ngọt nhiều gây sâu răng sớm cho trẻ. Trẻ ăn ngọt quá hoặc mặn quá có thể lớn lên thích các thức ăn ngọt hoặc mặn nhiều, ảnh hưởng đến các hệ quả sức khỏe về sau.

Những thông tin cần ghi nhớ:
• Bắt đầu ăn dặm cho trẻ lúc 6 tháng tuổi.
• Chỉ cần trong chế độ ăn dặm có thức ăn giàu chất sắt, bạn có thể giới thiệu thức ăn dặm cho trẻ theo thứ tự, và tần suất tùy thích theo hoàn cảnh gia đình và ý thích của trẻ.
• Không cần tránh thức ăn nghi ngờ dễ gây dị ứng cho trẻ trên 6 tháng tuổi, ngay cả khi có tiền sử gia đình. Tư vấn thêm với bác sĩ nếu bạn không chắc chắn.
• Không cho thêm đường, muối hoặc gia vị trong giai đoạn ăn dặm này.

Bs. Huyên Thảo.

Nguồn tham khảo:
Feeding your baby in the first year – Caring for Kids – Canadian Paediatric Society – Canada.
Introducing solid foods – National health and medical research council – Australia.

Bình luận
Mục tiêu

Nhìn nhận con người toàn diện

Ý chí – Tình cảm – Suy nghĩ

Làm điều đúng vào thời điểm đúng

Tự do trong dạy và học

Giữ gìn bản sắc, văn hoá dân tộc

Đồng hành cùng phụ huynh

DMCA.com Protection Status