Trong một tiết dạy làm cha mẹ, Vị giáo sư đáng kính cầm 1 bông hướng dương vàng rực rỡ và ngắt 1 cánh hoa đưa lên và hỏi các phụ huynh rằng: Tôi nói đây là 1 bông hoa, các bạn có nhận xét gì không? Mọi người bàn tán, có người cho rằng đó là cánh hoa, có người cũng cho rằng ông là giáo sư chắc điều ông nói không sai. Chỉ có 1 người mẹ giơ tay và xin phép nói: “Tôi đồng ý với ngài nó là 1 bông hoa, nhưng chỉ khi hàng ngàn bông hoa này ghép với nhau chúng ta mới thấy nó đẹp.”
Vị Giáo sư già cười đáp lại: Đúng vậy nhưng chú ong nhỏ kia chỉ quan tâm đến 1 bông hoa mỗi lần.
Giáo sư nói thêm: “Làm cha mẹ, mọi cách nhìn của chúng ta không hẳn là luôn đặt từ phía trẻ. Chúng ta yêu thương, mong muốn trẻ có điều tốt nhất và bảo vệ trẻ trong vùng an toàn thoải mái, nhưng cuộc sống của trẻ không mãi là vùng an toàn, và cũng không giới hạn trong vùng an toàn này. Bên ngoài là một thế giới bao la cần trẻ học hỏi cả trải nghiệm vui thích và trải nghiệm thất bại. Điều này giúp trẻ trưởng thành!”
CHÚNG TA NÊN KÉO HAY ĐẨY
Nhiều cha mẹ thường quan tâm quá mức đến hoạt động của trẻ, mà quên rằng có 1 số hoạt động trẻ cần tự làm để tự tìm ranh giới của vùng an toàn thoải mái. Một ví dụ tôi gặp ở nhà người bạn: Cậu bé 7 tuổi mỗi sáng thức dậy đều có mẹ cậu lo tươm tất từ quần áo, tập vở cặp sách và cả thức ăn sáng. Mẹ cậu kiêm luôn báo thức cho cậu mỗi sáng. 1 ngày nọ, mẹ câu do làm việc khuya mà ngủ quên, sáng gọi cậu dậy trễ và cậu đến trường muộn. Trên đường cậu luôn khóc lóc bực mình và trách mẹ “tại mẹ đó, tại mẹ đó”, nhưng mẹ luôn an ủi: “mẹ xin lỗi, mẹ ngủ quên để mẹ nói cô giáo cho”. Đến trường, mẹ cậu nói đỡ cho cậu với cô giáo.
Thực ra, yêu thương-bảo bọc trẻ là không sai, nhưng điều cần hơn là giúp trẻ nhận ra ranh giới của vùng an toàn thoải mái và đẩy trẻ mở rộng vùng thoải mái này, thay vì bạn cứ cố sức kéo trẻ vào. Đừng nghĩ đẩy trẻ đẩy trẻ ra khỏi vùng thoải mái là bạn không yêu thương trẻ. Hoàn toàn sai! Sai lầm lớn là giữ trẻ ở đây khi các kỹ năng xã hội và giao tiếp đang của trẻ đang cần được phát triển. Ra khỏi vùng an toàn, trẻ có sự va chạm và thử thách để các kỹ năng được bộc lộ.
VÙNG AN TOÀN THOẢI MÁI LÀ GÌ?
Nó chỉ là một khái niệm cho thấy bạn làm thay trẻ điều khó, mà chỉ cho trẻ điều thuận lợi hoặc thậm chí tước quyền được thử làm của trẻ. Nếu đặt 1 chấm mực vào 1 tờ giấy thì vùng an toàn chỉ là chấm mực đó, phần trắng còn lại chính là cuộc sống của trẻ.
BẮT ĐẦU ĐẨY TRẺ KHỎI VÙNG THOẢI MÁI NHƯ THẾ NÀO?
Hãy bắt đầu với những hành trang sau:
1. Biết trách nhiệm của bản thân
Dạy trẻ ý thức thời gian chơi, xem TV, học bài, thức dậy bằng cách có lịch cụ thể và kỷ luật khi trẻ bước sang 3 tuổi.
Các trách nhiệm cơ bản trẻ từ 2 tuổi cần biết là thời gian ngủ buổi tối, thời gian ăn.
2. Các hoạt động cần dạy trẻ ở nhà khi trẻ từ 2 tuổi
Học cách đánh răng, rửa tay, bỏ rác vào giỏ rác và dọn khu vực chơi của trẻ.
3. Nhận biết các vấn đề của sức khỏe
Dạy trẻ mô tả khi trẻ mệt, khát nước, đói bụng hoặc chỗ bị đau.
Dạy trẻ nhận biết những vùng trên thân thể không thể xâm phạm ở bé gái và bé trai.
Dạy trẻ 3 cảm xúc cơ bản: vui, giận và buồn
4. Nhận biết cách giao tiếp cơ bản khi bước ra xã hội
Dạy trẻ cử chỉ diễn đạt bằng tay như cần giữ im lặng, cám ơn, tạm biệt, xin phép cho ý kiến, cách nhờ giúp đỡ
5.Tôn trọng quyền lựa chọn và cho ý kiến của trẻ
Bạn đừng quên hỏi sự lựa chọn của trẻ, hỏi lí do và cách trẻ thực hiện
6. Dạy trẻ biết về những luật, quy tắc của trò chơi và quy định dành cho người thắng, người thua.
7.Cách thỏa hiệp và chờ đến lượt trong các hoạt động vui chơi, giao tiếp với các bé khác.
8. Giúp trẻ có cơ hội vui chơi với các bé khác. Khi đó, cha mẹ cần nhận biết tình huống nào là để trẻ tự xử lý khi gặp mâu thuẫn, khi nào cần cha mẹ hỗ trợ. Qua đó, dạy trẻ biết cách nhận trách nhiệm cho bản thân.
Nguồn: BS dinh dưỡng Anh Nguyễn