ĐỪNG HỎI “CON YÊU AI HƠN?”

Một bữa nọ, đồng nghiệp của mẹ hỏi bé Nga: “Con có yêu mẹ con không?”, bé vui vẻ đáp ngay: “Dạ có ạ”. “Có yêu bố con không?”. “Dạ có chứ ạ”. “Con yêu mẹ hay bố con hơn?”, bé cười rất tươi: “Cháu yêu cả hai bằng nhau ạ”. Chú hỏi tiếp: “Thế bố và mẹ con, ai yêu con hơn?”, bé vẫn một mực đáp: “Cả hai đều yêu cháu bằng nhau!”?

Sau một hồi chú dùng chiêu trò, “mánh khóe” để mua chuộc tình cảm và moi thông tin, bé ngập ngừng đáp: “Cả bố và mẹ đều yêu cháu, nhưng chắc bố cháu yêu cháu nhiều hơn”. Chú tò mò hỏi tận nơi: “Sao con biết?”, Nga khẽ nói: “Vì ban đêm khi cháu tè dầm, bố cháu là người dậy thay quần cho cháu còn mẹ thì vẫn ngủ ạ”.

Ngay lúc đó mẹ bước vào, chú cười he he kể lại cho mẹ nghe và xung quanh xúm vào trêu mỗi người một câu: “Ơ thế ra mẹ đẻ hộ à?”, “Đúng nó là gián điệp của bố”, “Từng này tuổi vẫn tè dầm, lêu lêu”, “Làm mẹ kiểu gì con đái mà vẫn ngủ được”,… Bé ngẩn người, tay vẫn cầm món đồ chơi chú mua cho, mếu máo: “Con yêu bố và mẹ bằng nhau, mẹ ạ, thật đấy”, ngay cả khi đã được mẹ bế lên, chào mọi người đi về thì bé vẫn nói trong tiếng nấc: “Con biết là cả bố và mẹ đều yêu con, thật đấy, nhưng tại chú ấy cứ hỏi mãi”.

☘️Những người lớn tinh vi
Trẻ con rất cả tin và thực thà, vì thế chúng dễ có cảm giác mình là “kẻ phản bội” nếu như trót so sánh, đánh giá, xếp hạng tình yêu của cha mẹ (ông bà, người thân) dành cho mình. Bé cũng có mặc cảm mình đã ham quà cáp khi tiết lộ bí mật trong nhà cho ai đó, phụ lại lòng tin của người nhà và sau đó thấy bất an, ân hận, xấu hổ khi đứng trước người thân.
Hơn nữa, sau những lúc bị trêu đùa như thế, trẻ thường cảm thấy ghét lây những người “đầu têu”, đừng hỏi tại sao chúng ăn nói khó nghe, vùng vằng, lầm lỳ, cọc tính, nói hỗn khi gặp lại vị khách ấy!
Trả lời câu hỏi này là mối bận tâm của trẻ trong một khoảng thời gian nhất định, rồi đến một ngày nó im lặng ậm ừ cho qua vì thấy chẳng cần thiết phải “giả nhời” hoặc khôn lỏi lấy lòng người hỏi để đòi quyền lợi! Chỉ 1 câu nói mà gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc cũng như cách hành xử của trẻ đối với bản thân và người khác.

☘️Đừng làm khó con trẻ!
Trẻ được khuyến khích mở lòng tâm sự, thành thật với người lớn mọi chuyện (lắm khi còn bị ép buộc) để rồi một là họ đem chuyện đó đi “buôn” với người khác, bình luận về trẻ trước đám đông?, kể xấu trẻ ngay trước mặt?, chẳng đếm xỉa đến cảm xúc của đứa bé? (chậc, chỉ là những lời nói vô hại, thực sự chẳng có chủ ý gì) khiến trẻ khó chịu và ngượng ngùng; hai là lấy đó để mỉa mai, trách móc.
Người bị đánh giá là “không yêu con/ không được con yêu bằng” sẽ chạnh buồn, tủi thân, cho rằng con “phụ lòng cha/ mẹ, không hiểu được tấm lòng cha/mẹ” thậm chí giận lẫy. Trẻ bị lôi vào những lời cằn nhằn, bóc “phốt” của người này về người kia theo một chiều hướng tiêu cực sẽ trở nên nhạy cảm, cảnh giác và tìm cớ thoái thác ở lần sau.

Hậu quả là đứa trẻ mau chóng rút (cái sợi dây) kinh nghiệm: Không tham gia các vấn đề giữa cha mẹ hoặc những người thân khác nếu điều đó làm chúng không thoải mái. Hạn chế quyền xâm nhập của cha mẹ vào những chuyện riêng của bản thân. Tự quyết định theo kinh nghiệm của chính mình chứ không xuôi theo cha mẹ, chặn cha mẹ bên ngoài cuộc sống của mình.

Nếu trải nghiệm này lặp đi lặp lại, trẻ sẽ nhận ra bố mẹ cần đến tình yêu của mình, bắt đầu nảy sinh trong tiềm thức là “yêu ít đi” để được bố mẹ quan tâm hơn. Thậm chí một số bé phẫn nộ và quyết tâm không làm theo những gì cha mẹ mong muốn, hét lên: “Con không yêu cha/ mẹ nữa đâu!” để tỏ ra “em có quyền”!

☘️Đùa dai hóa dại
Con trẻ khao khát tình yêu thương và thèm khát cảm giác an toàn. Cha mẹ giành nhau tình yêu của con chỉ làm tăng thêm tâm lý bài xích người lớn của con trẻ. Lâu dần, người bị tổn thương là con trẻ, người chịu thiệt thòi là cha mẹ.
“Con yêu ai hơn?/ Bố mẹ ai yêu con hơn?” Câu hỏi này có hai điều sai. Thứ nhất, trẻ nghĩ bố mẹ không – phải – là – một nên buộc phải so sánh và chọn lựa. Thứ hai, câu nói ám chỉ rằng đến yêu bố mẹ cũng tranh hơn thua nhau thì việc gì nó phải yêu thương người nào.
Bằng cách này cha mẹ đã không giữ được vị thế và lòng tin với con.

Thế nên, cha mẹ không hỏi con câu này và cũng ngăn họ hàng làng xóm, đồng nghiệp, người dưng hỏi con mình câu này nhé!❤️

Nguồn: Bs Nguyễn Lan Hải.
Bài đăng trên tuần san Công giáo & Dân tộc.

Bình luận
Mục tiêu

Nhìn nhận con người toàn diện

Ý chí – Tình cảm – Suy nghĩ

Làm điều đúng vào thời điểm đúng

Tự do trong dạy và học

Giữ gìn bản sắc, văn hoá dân tộc

Đồng hành cùng phụ huynh

DMCA.com Protection Status