Bài viết trích từ cuốn sách “Kỉ luật mềm của trái tim”
Cứ mỗi dịp kỳ thi đến, xã hội lại xôn xao vì những câu chuyện đau lòng đó là những đứa trẻ, vì không chịu nổi áp lực học tập, thi cử từ cha mẹ và nhà trường nên tìm đến cái chết để giải thoát những bế tắc cho mình. Một bộ phận cha mẹ lo lắng chuyện con bị áp lực tâm lí đè nặng, sẽ nói với nhau rằng “học nhiều làm gì, mình sẽ không tạo áp lực, để con được phát triển tự nhiên”. Thực lòng tôi không tán đồng với quan điểm hơi “dễ dãi” ấy của cha mẹ về chuyện “tạo áp lực cho con”. Vì thực tế đứa trẻ vẫn cần có những áp lực nhất định, vẫn cần sự kì vọng từ cha mẹ, chỉ là chúng ta đừng đi vào ranh giới của việc kì vọng quá mức mà thôi. Vì sao?
1. Sự kì vọng của cha mẹ là động lực để con cố gắng
Khi cha mẹ đưa ra sự kì vọng với con cái, đó chính là điểm khởi đầu để trẻ đặt cho mình ước mơ, để biết mình muốn làm gì. Sự kì vọng sẽ nuôi dưỡng lòng tự tôn ở trẻ, trẻ thấy được mình có thể làm được một điều gì đó lớn lao. Khi cha mẹ đưa ra sự kì vọng, đó chính là “tiêu chuẩn, là dấu mốc” để trẻ lấy đó làm thước đo phấn đấu, hoặc để so sánh với những ước mơ và mong muốn của mình.
Mẹ có thể muốn con trở thành hoạ sĩ, nhưng sau này con lại thấy con thích làm công việc về máy móc cơ. Trẻ hoàn toàn có thể nói “Đấy là sự kì vọng của bố mẹ, nhưng con có mục tiêu khác để phấn đấu”. Đó là bước đầu tiên để nuôi dưỡng cho trẻ năng lực tự mình suy nghĩ, tự mình xây dựng ước mơ sau này.
Còn nếu cha mẹ không có bất kì sự kì vọng nào, thì ngược lại trẻ không biết “mình là ai, mình đang ở đâu, mình sẽ làm gì”, vì chúng thiếu đi động lực hay mục tiêu để phấn đấu. Đó là lí do vì sao có những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ mà đứa thì tài năng, đứa thì thành trẻ “ăn bám”, tất cả ở cách cha mẹ đặt sự kì vọng vào con.
Cũng đừng nên giả vờ con là bạn không kì vọng con phải học giỏi, phải thành ông nọ bà kia (câu này tôi nghe được rất nhiều dù có những người nói thật lòng) mặc dù trong lòng bạn kì vọng ở con. Vì đứa trẻ vốn rất nhạy cảm, chúng sẽ cảm nhận qua ánh mặt hay tiếng thở dài, lời ca thán của bạn sau những thành tích chúng đạt được. Chính sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động của cha mẹ còn khiến trẻ cảm giác áp lực hơn rất nhiều so với việc cha mẹ nói ra kì vọng của mình với con.
Vậy thì đâu là ranh giới của kì vọng và kì vọng quá mức. Làm thế nào để những kì vọng của cha mẹ không trở thành áp lực với con?
2. Dùng thông điệp “Bố mẹ muốn” thay vì thông điệp “Con phải”
Dạo Bon hơn 4 tuổi, các mẹ của các bạn trong lớp Bon rủ nhau cho con đi học bơi. Tôi cũng rất muốn cho con học bơi nên đã cho Bon đi cùng. Nhưng vì công việc bận rộn, tôi không thể đưa Bon đi hàng ngày, và hơn nữa Bon lại rất sợ úp mặt xuống nước (do gội đầu chưa dám cúi mà cứ ngửa đầu) và mỗi lần đi học bơi là con khóc. Thế là quá trình học bơi đành phải dừng sau 5 buổi. Tôi không ép con nữa vì thấy đây chưa phải là thời điểm để đặt kì vọng ở con. Tôi cần cho Bon làm quen với việc cúi xuống gội đầu, và đợi con lớn hơn chút nữa để bắt đầu học bơi lại.
Nhưng với chuyện học vẽ ở xưởng nghệ thuật Tí Toáy thì khác một chút. Ban đầu Bon không hào hứng lắm nhưng vì ở nhà tôi thường xuyên cắt xé dán trang trí các sản phẩm tạo hình cùng con rồi nên con cũng hợp tác đi học. Có những buổi con khóc bảo con không muốn đi nhưng mẹ chỉ nhẹ nhàng nói với con “Mình đã đóng tiền rồi mà không đi thì thật phí phải không con. Mẹ rất muốn nhìn thấy những bức tranh con vẽ, những con vật Bon nặn. Hôm nay thử xem mình được vẽ con gì nhé. Đi học vẽ xong rồi hai mẹ con mình cùng đi lái ô tô mà Bon thích”. Mỗi lần vẽ xong con hào hứng chạy đến khoe với mẹ sản phẩm của mình.
Ở nhà cũng luôn hỏi “Mẹ thích con vẽ gì nào để con vẽ cho mẹ”, rồi hào hứng kể về nội dung của những bức tranh mình vẽ.
Ngoài ra tôi cũng hiểu việc rèn luyện thói quen chuyên cần là điều kiện đầu tiên và bắt buộc nếu như muốn con đạt được một thành quả nào nhất định. Do đó hai mẹ con cố gắng đi học đều đặn không bỏ buổi nào. Nếu tuần đó đi du lịch vào cuối tuần thì nhất định sẽ đi học bù vào thứ năm.
Tôi nhận thấy khi con càng lớn, việc dùng thông điệp “Bố mẹ muốn” để truyền tải cho con mong muốn hay sự kì vọng vào con không khiến con có cảm giác bị áp lực. Mà ngược lại, nó khơi gợi cho con lòng tự tôn, tự tin vào bản thân mình hơn, cảm nhận được ba mẹ đang kì vọng vào mình, và mình sẽ cố gắng để làm những điều khiến bố mẹ vui.
Ở lứa tuổi của Bon, con chưa có quá nhiều trải nghiệm và chính kiến thì việc cha mẹ tạo ra môi trường để con làm quen đồng thời kiên trì cho con theo đuổi môn học đó, nói với con mong muốn của bố mẹ thì con sẽ rất hợp tác. Còn khi con đã lớn, con không muốn đi theo sự sắp đặt hay kì vọng của bố mẹ nữa con sẽ biết nói rõ quan điểm của mình, đó cũng là một sự trưởng thành đáng khích lệ rồi.
Còn với thông điệp “Con phải học vẽ, con phải đi học bơi, con phải thi vào trường ABC. Tại sao con lại không thích thể thao như bố, con không học giỏi như bố” thì nó thể hiện sự áp đặt của cha mẹ lên con, là mệnh lệnh bắt con phải nghe theo. Mà con người không ai muốn bị làm theo mệnh lệnh của người khác. Với đứa trẻ chúng lại càng không muốn bị áp đặt như thế.
3. Đưa ra những kì vọng cụ thể
Ở mầm non Tsubaki, một trong những phương pháp giáo dục được áp dụng đó là giáo viên luôn được khuyến khích để đưa ra những yêu cầu, kì vọng một cách “cụ thể” nhất với trẻ. Những quy định với học sinh Tsubaki được truyền tải rất rõ ràng “Cô muốn các con sẽ: Lắng nghe khi cô nói, ngồi đẹp, nói xin lỗi và cảm ơn, nói con chào cô ạ, xếp hàng chờ đến lượt, không đánh bạn, chia sẻ đồ chơi với bạn….” thay vì nói “Cô muốn các con phải ngoan”.
Hay khi dọn dẹp giáo viên cũng cần cụ thể hoá công việc “tổ 1 cất đồ chơi block, tổ 2 cất đồ chơi nấu ăn” thay vì nói “Các con dọn dẹp đồ chơi lại” một cách rất chung chung. Khi người lớn càng truyền đạt bằng những hành vi càng cụ thể bao nhiêu, trẻ sẽ càng dễ tiếp nhận và làm theo bấy nhiêu.
Ở nhà mình cũng vậy, tôi sẽ luôn đưa ra các công việc và mục tiêu rất cụ thể với Bon. “Con cất ô tô nhỏ vào thùng này, ô tô còn lại vào thùng to. Mẹ muốn con ngồi một chỗ ăn trong vòng 20 phút, sau đó con có thể đi chơi”. “Mẹ rất muốn được nhìn thấy con vẽ, được thấy những bức tranh của con. Mẹ rất muốn nhìn thấy Bon tự đi xe đạp mà không cần bánh phụ, mẹ sẽ hỗ trợ cho con khi con cần”.
Đưa ra lời khuyên nhưng quyền quyết định cuối cùng luôn là ở con
Tôi xin chia sẻ câu chuyện của chính mình. Năm 2014, khi chọn trường đại học để thi bố mẹ tôi thì nhất định khuyên tôi hãy chọn trường đại học Hàng hải, thay vì đại học Ngoại thương. Bố mẹ tôi lo rằng “Nếu tôi học ĐH Hàng hải thì sau này ra trường có họ hàng xin việc cho, nâng đỡ cho tôi trong sự nghiệp sau này. Còn đại học Ngoại thương thì tôi sẽ phải tự mình bươn chải khi ra trường”.
Bố mẹ khuyên nhưng tôi vẫn nhất định không thay đổi quan điểm của mình “Cuộc đời con con sẽ tự lo được, không cần nhờ vả để ai giúp đỡ xin việc cho cả” nên tôi vẫn nộp duy nhất vào trường ĐH Ngoại thương. Vì khuyên không được nên cuối cùng bố mẹ tôi vẫn tôn trọng quyết định của tôi. Và trong tất cả mọi chuyện học hành, lựa chọn công việc, bố mẹ chỉ đưa ra lời khuyên, còn quyền quyết định cuối cùng luôn là ở tôi.
Đó là món quà quý giá mà bố mẹ đã cho tôi: Trao cho tôi quyền tự quyết cuối cùng trong mọi chuyện, dù nó trái với mong muốn và kỳ vọng ban đầu của bố mẹ.
Nguồn: Chị Nguyễn Thị Thu tác giả Kỷ luật mềm của trái tim