Thậm chí có cha mẹ phải “hối lộ” để con mình đồng ý ăn rau. Tại sao rau củ là một trong những thức ăn rất tốt cho sức khỏe mà chúng ta lại phải sử dụng hình thức đổi chác như thế để dụ dỗ được trẻ nhỏ ăn một ít?
Thay vì phải nịnh nọt và hối lộ để trẻ ăn thì chúng ta nên tạo cho trẻ thói quen thích ăn rau từ bé, để trẻ ăn vì chúng thích ăn chứ không vì bất cứ lý do nào khác.
Nguyên tắc số 1: Chế biến rau thành những món phong phú và hấp dẫn
Rau có vị ngon khi chuẩn bị và nấu nướng đúng cách, nhưng không cần quá cầu kỳ. Biết cách nấu rau để ngon miệng là chìa khóa giúp trẻ thích ăn chúng.
Ví dụ, bắp cải bỏ lò nướng thì ngon hơn rất nhiều so với bắp cải luộc. Củ cải đường phủ caramel có hương vị ngon không thể cưỡng lại được so với củ cải đường luộc chín bình thường. Các món rau trộn với nước sốt hoặc với bơ, dầu oliu…; rau bina xào hoặc trộn giấm, cà rốt tươi, đậu que xào vẫn còn độ giòn, ngô nướng với bơ, bông cải xanh hấp dùng chung với chút bơ và muối – đó là những loại rau ngon hầu hết các bé sẽ thích thú khi được ăn thường xuyên.
Nhưng nếu bạn cho trẻ ăn những món rau đơn điệu, thì sẽ khiến các bé càng không thích ăn rau, vì mùi vị của rau thường rất nhạt, không kích thích vị giác của trẻ.
Ngay cả người lớn chúng ta cũng không muốn ăn món bông cải xanh luộc mềm nhũn, bắp cải luộc, xà lách trộn với quá nhiều sốt, cà tím với lớp vỏ cứng ngắc, hoặc ăn các loại rau củ hỗn hợp đông lạnh, rau củ đông lạnh có thể có giá trị dinh dưỡng tương đương, nhưng về độ ngon thì chắc chắn không thể so sánh được với rau củ tươi.
Những sáng tạo trong việc chuẩn bị bữa ăn hằng ngày với rau củ quả sẽ giúp trẻ chú ý hơn tới các loại thức ăn này, trẻ sẽ có hứng thú ăn hơn. Và đương nhiên điều này cũng giúp bạn không phải vật lộn với việc ép trẻ ăn nhiều rau xanh mỗi ngày nữa.
Nguyên tắc số 2: Sẵn sàng thỏa hiệp
Không chỉ trong vấn đề ăn uống, mà trong mọi khía cạnh của việc nuôi dạy con cái, bạn không thể quá cứng rắn khi trẻ sẽ không muốn hợp tác. Tuy nhiên chúng ta có thể thiết lập một vài quy tắc cơ bản để trẻ tuân theo.
Trẻ em không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng là chúng sẽ ăn gì hoặc không ăn gì, nhưng đứa trẻ vẫn cần không gian để chọn lựa và tự quyết định. Ví dụ như trong gia đình, thực đơn trong tuần sẽ có 2 ngày ăn món được chế biến từ nấm, thì dù cho trẻ không thích nấm thì chúng vẫn phải cố gắng ăn ít nhất 1 lần.
Chúng ta hiểu rằng trẻ em thích những thứ khác nhau, khẩu vị của mỗi trẻ là hoàn toàn khác nhau, do đó cha mẹ cần đưa ra mục tiêu cho trẻ hoàn thành trong một thời gian nhất định.
Chẳng hạn mục tiêu của bạn là cho con ăn bắp cải ít nhất 1 lần trong tuần/tháng và phải hoàn thành 2 mục tiêu:
- Cho trẻ thử nhiều món được làm từ bắp cải, để biết được trẻ thích ăn bắp cải được chế biến như thế nào nhất và không thích bắp cải khi chế biến thành món nào nhất.
- Khẩu vị của trẻ sẽ thay đổi dần khi trẻ lớn lên, do đó phải giúp trẻ không bị mắc kẹt với ý tưởng rằng từ nhỏ mình đã không thích món rau đó tí nào.
Việc cho trẻ cùng tham gia chế biến bữa ăn gia đình cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không chỉ giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của thức ăn, giúp trẻ xây dựng thói quen thích làm việc nhà, tự giác trong công việc, biết quan tâm tới mọi người mà còn giúp trẻ cảm thấy hứng thú với những món ăn do mình “góp sức” cùng làm ra.
Ngoài ra, trong quá trình nấu ăn, bạn cũng nên cho trẻ nếm thử đồ ăn. Việc này cũng tạo cho trẻ có hứng thú để thêm những loại rau củ quả vào bữa ăn của mình.
Chính vì vậy, bạn nên khuyến khích trẻ tham gia chuẩn bị bữa ăn với các việc vừa sức như rửa rau, nhặt rau, rửa các loại củ quả, tạo hình thức ăn… và chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy trong bữa ăn, trẻ cố gắng tìm những miếng cà rốt do mình tự tạo hình và ăn một cách ngon lành.
Nguyên tắc số 3: Tạo ra những thói quen tốt
Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung thêm nhiều rau xanh và hoa quả tươi không chỉ có lợi cho sức khỏe của trẻ mà cho cả người lớn. Chính vì vậy, trong bữa ăn hàng ngày bạn cũng nên khuyến khích các thành viên khác trong gia đình ăn thật nhiều rau xanh và hoa quả tươi.
Điều này sẽ khuyến khích trẻ học theo và thích thú với các loại thực phẩm này. Ngoài ra, nó còn giúp trẻ hiểu được ăn rau cũng cần thiết như ăn cơm hay ăn thịt vậy.
Khi cha mẹ tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh để trẻ noi theo thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc thúc ép trẻ. Cha mẹ sẽ là tấm gương để trẻ học theo, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ ăn những món ăn như nhau, và không được chê bai thức ăn. Bởi vì ngay khi cha mẹ bắt đầu có những ngoại lệ cho bản thân thì trẻ sẽ tiếp thu và bắt chước ngay sau đó.
Nguồn: Minh Nguyệt