LÀM SAO ĐỂ GIÚP TRẺ HƯỚNG THIỆN?

Liệu có phải con người sinh ra đã là người tốt?

Laurent Hrybyk for NPR

Lòng tốt của con trẻ là thứ phải được nhen nhóm và dạy dỗ, thẩm thấu hàng ngày bởi cha mẹ. Chứ không thể bỗng nhiên sinh ra và phát triển.

“Tuy nhiên, có rất nhiều người cho rằng lòng tốt là thứ hiển nhiên tồn tại và phát triển trong mỗi người, cho dù chúng ta chẳng bao giờ nhắc về lòng tốt trong những câu chuyện hàng ngày” – theo Jennifer Kotler.

“Chúng ta luôn mặc định ‘Ồ, đây là một đứa trẻ rất ngoan, và chắc chắn đứa trẻ đó lớn lên sẽ thành một người tốt bụng.’”

Thực chất, quan điểm trên cũng không hoàn toàn sai, bởi “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người sinh ra chẳng ai là xấu, và thậm chí còn luôn hướng thiện trong nhiều tình huống.

Não chúng ta có rất nhiều nơ ron thần kinh được gọi là noron gương, chúng phản ứng và cho ta cảm giác đau khi bị kim châm, khiến chúng ta cảm thấy thương cảm và xót xa cho người gặp tình huống tương tự. Và theo nhận định đến từ Thomas Lickona – nhà tâm lý học, tác giả cuốn How to Raise Kind Kids, trẻ sơ sinh cũng có năng lực thấu cảm đau khổ.

“Cụ thể, trẻ sơ sinh có xu hướng dễ khóc hơn khi nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ khác, chứ không phải tiếng ồn phát ra xung quanh.”

Tuy nhiên, lòng tốt không đơn thuần chỉ là sự cảm nhận nỗi đau của người khác. Mà nó còn tạo động lực khiến con người ta muốn làm gì đó hữu ích để giúp đỡ mọi người. Cũng theo lời của Lickona, trẻ con cũng thường xuyên có những biểu hiện cho thấy lòng tốt của mình.

Trong một nghiên cứu quan sát phản ứng của trẻ toddler khi thấy người lớn vô tình làm rơi đồ, hầu như tất cả các bé được quan sát đều có thái độ giúp đỡ bằng cách nhặt thứ bị rơi lên. Lickona nói: “Trẻ làm điều đó mà không cần có sự yêu cầu hay lời cảm ơn của người lớn, cũng không phụ thuộc vào việc bố hoặc mẹ có ở quanh đó hay không.”

Trên thực tế, sự nhiệt tình giúp đỡ kiểu như trên xảy ra ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ. Kiley Hamlin – phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Columbia đã sử dụng những con rối để chứng minh điều này.

Cụ thể, trước mắt một vài em bé, Hamlin đã dựng tình huống trước giả định một con rối đang nhìn lên ngọn đồi với hi vọng có thể leo đến đỉnh ngọn đồi đó. Khi chú rối leo đồi, Hamlin đưa ra cho các em bé hai khả năng có thể xảy ra:

  • Khả năng 1: Có một người trợ giúp sẽ giúp con rối ngay lập tức leo lên đỉnh đồi

  • Khả năng 2: Con rối bị cản trở không thể leo lên đồi bởi một con rối khác

Sau đó, Hamlin đặt người trợ giúp và người cản trở trước mặt các em để xem sự lựa chọn của các bé sẽ như thế nào. Ngạc nhiên là có một lượng lớn các bé đều chọn người trợ giúp chứ không phải người cản trở.

“Nếu thống kê bằng con số, thì sẽ có khoảng 75% – 100% số trẻ trong nghiên cứu có xu hướng yêu thích người trợ giúp hơn là người cản trở.” Kết luận lại, tình huống trên đã chứng minh được kể cả trẻ nhỏ cũng có năng lực nhận biết ai là người cần trợ giúp, ai làm gì với ai, ai là người xấu và ai là người tốt. Cũng nhờ nhận biết này, trẻ sẽ hình thành kỹ năng xã hội của mình. Nói tóm lại, theo một vài khía cạnh, ta có thể khẳng định trẻ em được sinh ra đều ẩn chứa lòng tốt.

Tuy nhiên lòng tốt lại bị tác động bởi nhiều rào cản xung quanh. Cụ thể, trong một nghiên cứu khác về phản ứng của những đứa trẻ 2 tuổi khi thấy đứa trẻ khác (không nhất thiết phải quen biết với mình) bị ngã trong lúc chơi đùa. Kết quả đã cho thấy, chỉ có ⅓ trẻ được quan sát thể hiện lòng tốt của mình bằng cách ôm, vỗ về hoặc gọi người lớn đến giúp em bé bị ngã.

Vậy điều gì đã cản trở trẻ thể hiện lòng tốt của mình?

Rất nhiều thứ, mà một trong số đó là do trẻ nhỏ luôn có xu hướng tự cho mình là trung tâm, và năng lực thấu hiểu, cảm thông với người khác là thứ mà trẻ cần được phát huy thông qua những trải nghiệm trong cuộc sống.

Tuy nhiên, phản ứng của trẻ còn dựa trên cá tính của chúng. Bé không giúp bạn rất có thể vì bé không thể tìm ra cách giúp, cảm thấy ngượng và không chắc phải làm gì, do vậy chúng chọn cách đợi người khác tới giúp.

Thế nhưng, ngoài rào cản cá tính, thì còn một loại rào cản khác nguy hiểm hơn cả đó là xu hướng bộ tộc. Xu hướng này khiến chúng ta làm cả những hành động tốt và xấu chỉ để giống với số đông.

Cụ thể, trong một nghiên cứu đến từ Đại học Toronto, trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi thậm chí đã thể hiện sự yêu thích của mình với các bạn cùng tuổi, và sự phân biệt đối với những đứa trẻ nhỏ hoặc lớn hơn mình. Và thực tế, xu hướng tâm lý “chúng ta – họ” này vượt trên cả những khác biệt về thể chất.

Cũng theo một  nghiên cứu của Hamlin tại Đại học Columbia khi cô đưa ra một ví dụ khác để kiểm chứng lòng tốt của trẻ nhỏ. Trong nghiên cứu này, cô giả định con rối và các em bé đều cùng thích một món đồ ăn vặt giống nhau. Kết quả cho khá sửng sốt khi lúc này các em bé không còn tốt nữa mà thậm chí còn muốn con rối bị trừng phạt vì không chịu chia sẻ đồ ăn với mình.

“Nhìn chung, trẻ nhỏ có vẻ quan tâm nhiều đến sự tương đồng của những người khác với mình hơn là chú tâm đến sự tốt bụng” – theo đánh giá của Hamlin.

“Có vẻ những đứa trẻ ngay khi được 6 tháng tuổi đã có thể hình thành các định kiến, sự phân biệt đối xử và nhiều quan điểm khác” – theo đánh giá của Tom Lickona

Chính vì điều này, không có gì ngạc nhiên khi nhiệm vụ nuôi dưỡng lòng tốt cho một đứa trẻ với mọi người, nhất là những người không giống chúng được giao cho bố mẹ, cô giáo và những người lớn quanh trẻ.

Bạn còn nhớ ví dụ về phản ứng của những đứa trẻ thấy bạn mình bị ngã được nêu phía trên? Trong ví dụ này, có một sự thật là tất cả các bé có hành động giúp bạn đều  có những người mẹ ấm áp và tốt bụng, đồng thời được mẹ chỉ bảo và nuôi dưỡng lòng tốt thông qua những hành động cụ thể.

Nghiên cứu về những người mẹ này cho thấy, họ có phản ứng khá nghiêm túc và cứng rắn khi thấy con làm đau bạn bè. Cũng theo Lickona, những người mẹ trên còn thường xuyên đưa ra cách giúp trẻ sửa chữa lỗi sai và cảm xúc của mình. Ví dụ: “Con vừa làm đau Amy đấy. Con có biết giật tóc bạn sẽ làm bạn đau không? Đừng bao giờ làm lại hành động đó một lần nữa nhé.”

Thông điệp mà người mẹ muốn con hiểu trong tình huống này chính là: “Làm người khác tổn thương là một vấn đề rất nghiêm trọng.”

“Chính vì sự định hướng này, chúng ta sẽ thấy có những đứa trẻ tỏ ra đồng cảm và giúp đỡ khi thấy một người bạn không quen biết bị ngã.” – đánh giá của Lickona.

Lòng tốt và sự xấu xa luôn song song tồn tại trong cùng một con người. Và nếu như bạn cho rằng lòng tốt là thứ gì đó có thể tự phát triển lấn át những tính cách xấu xa thì bạn đã nhầm. Lòng tốt cũng là một loại kỹ năng, nó phức tạp và cần nhiều trải nghiệm hơn bạn tưởng. Vì thế, là những ông bố bà mẹ, hãy dùng quyền lực và trách nhiệm của mình để củng cố, thúc đẩy và giúp con nuôi dưỡng lòng tốt của mình ngay từ khi còn nhỏ.

Nguồn nội dung: NPR.org

Biên dịch & tổng hợp bởi Raised Happy

Bình luận
Mục tiêu

Nhìn nhận con người toàn diện

Ý chí – Tình cảm – Suy nghĩ

Làm điều đúng vào thời điểm đúng

Tự do trong dạy và học

Giữ gìn bản sắc, văn hoá dân tộc

Đồng hành cùng phụ huynh

DMCA.com Protection Status