Đồ chơi phát triển khả năng sáng tạo
Chơi chính là cách thông thái mà tạo hóa hướng dẫn đứa trẻ học cách đi vào thế giới! Chơi chính là không gian để trẻ tiêu hóa những trải nghiệm trong cuộc sống, biến nó trở thành kinh nghiệm, nhận thức của riêng trẻ.
Đồ chơi trong mầm non Steiner không có hình thù quá cụ thể với mục đích giúp phát huy trí tưởng tượng của trẻ. Một khúc gỗ có thể là bánh mỳ hay bàn ăn, có khi là xe hơi, đôi khi lại biến thành chiếc thuyền. Những chiếc ghế có thể xếp thành hàng dài với nhau tạo thành xe lửa nhiều toa, hoặc có thể quây lại thành ngôi nhà. Tấm vải có khi là chăn cho búp bê và ngay sau đó lại thành tấm khăn choàng của nàng công chúa. Chính sự đơn giản, gợi mở đầy linh hoạt của những món đồ chơi trong trường mầm non Steiner kích thích trí tưởng tượng của trẻ phát triển mạnh mẽ.
Đồ chơi trong trường mẫu giáo Steiner hoàn toàn được làm từ nguyên vật liệu tự nhiên vì chúng đẹp và đem đến sự trải nghiệm phong phú mà vật liệu nhựa không thể nào có được. Vật liệu tự nhiên luôn thay đổi và mang trong nó một sức sống, đó là phẩm chất quan trọng đối với trẻ nhỏ vì nó giúp nuôi dưỡng các giác quan và sức sống đang phát triển của trẻ. Ví dụ, khi trẻ được nhìn thấy, chạm vào và cảm nhận được chất gỗ ở một cái bàn bằng gỗ, nhưng ở cái bàn bằng nhựa, nilong hay polyeste hay bất cứ chất tổng hợp nào đều thuộc về thế giới khoáng vật, nó có hình thù vật chất nhưng không có sức sống, hơi ấm đối với trẻ, trong khi gỗ thuộc về thế giới thực vật, mang trong mình sức sống và sức sỗng là yếu tố lành mạnh bồi dưỡng sức khỏe của trẻ.
Đôi khi phụ huynh băn khoăn liệu trẻ có chán không khi chơi những đồ chơi đơn giản như vậy trong suốt những năm học mầm non. Và họ nghĩ nhiều khi phải đổi sang đồ chơi khác nhiều chi tiết hơn để trẻ khỏi chán. Những những giáo viên Steiner có thể khẳng định rằng trải nghiệm của trẻ ở những đô tuổi khác nhau sẽ khác nhau, chúng sẽ nhìn một món đồ chơi ở nhiều góc cạnh khác nhau và sử dụng những phần khác nhau của cùng món đồ chơi này để phục vụ cho nhiều trò chơi và những trải nghiệm khác nhau của chúng. Chính khả năng sử dụng cùng một món đồ chơi vào nhiều trò chơi khác nhau làm phát triển sức tưởng tượng của trẻ và sự tự do làm điều mình thích, giúp trẻ trở thành một con người tự do khi trưởng thành.
Ở Vừng, hay các trường Steiner luôn có đồ chơi thủ công do chính tay những người “Mẹ” chăm chút làm cho các con. Bằng tất cả tình yêu thương gửi gắm vào những mũi kim bé xíu xiu, từng mảnh vải cắt gọn gàng để hoàn thành túi đậu, em búp bê vải, đan len, nhuộm vải…
Một cách vô hình nào đó, đứa trẻ sẽ cảm nhận được hơi ấm, tình yêu thương khi ôm trong tay món đồ chơi ấy. Việc làm thủ công cũng là một cách nuôi dưỡng tâm hồn, chữa lành và giúp đôi tay ấm áp hơn.
Như cách vun trồng một cây hoa, “Mẹ” ở lớp học của Vừng săn sóc các con, nâng niu như những hạt giống ủ trong đất lành. Đó là một điều xuất phát từ trái tim, cũng là lý do Vừng được thành lập.
Bình luận