Làn da em bé có thể nói là làn da ‘lý tưởng’ vì rất mềm mại và mịn màng. Tuy nhiên, không phải lúc nào bé cũng có một làn da khoẻ mạnh, vì da em bé mỏng manh và rất dễ bị kích ứng, tổn thương.
Sau đây là những vấn đề mà da bé thường gặp phải và cách chăm sóc:
1. Hăm tã
Hầu hết xảy ra vì kích ứng da do:
– Tã quá chật,
– Tã ướt quá lâu,
– Trẻ dị ứng với một loại tã, khăn lau, bột giặt … nào đó.
Có thể tránh hăm tã bằng cách:
– Thay tã cho bé ngay khi tã ướt,
– Để vùng bị hăm được thoáng càng lâu càng tốt.
Nếu vùng hăm tã bị bong vảy, rửa bằng nước ấm và bôi kem chống hăm (có oxit kẽm).
2. Mụn
Em bé “nổi mụn” không phải là mụn như những thanh thiếu niên. Mụn trên mũi và má của em bé thường tự hết sau vài tuần. Vì vậy, bạn không cần phải điều trị hoặc sử dụng kem dưỡng da.
3. Chàm
Rất phổ biến ở trẻ em có tiền sử gia đình bị dị ứng, bị hen suyễn. Thường phát ban đỏ, ngứa dần dần dày lên, khô và có vảy. Có thể xuất hiện ở mặt, khuỷu tay, ngực, cánh tay hoặc khoeo.
Để điều trị chàm, cần xác định và tránh những yếu tố khởi phát chàm, thoa kem dưỡng ẩm. Bệnh chàm nặng hơn nên được khám và điều trị bằng thuốc.
4. Tăng tiết bã nhờn da đầu (“cứt trâu”)
“Cứt trâu” da đầu thường tự hết trong năm đầu tiên. Còn được gọi là viêm da tiết bã, một phần là do da quá nhiều dầu.
Nó xuất hiện dưới dạng vảy, sáp, nổi mẩn đỏ trên da đầu, lông mày, mí mắt, hai bên mũi hoặc sau tai.
Bác sĩ nhi khoa của bạn sẽ đề nghị điều trị tốt nhất cho con bạn. Điều đó có thể bao gồm một loại dầu gội đặc biệt, dầu em bé, hoặc một số loại kem và kem dưỡng da.
5. Rôm sảy
Trên cơ thể bé có những vùng ra mồ hôi nhiều (cổ, gáy, lưng, vùng mặc tã, nách…), da vùng đó sẽ nổi lên những vết sưng nhỏ màu đỏ hồng.
Để phòng tránh rôm sảy, những vùng da đó cần được giữ khô ráo, thoáng mát và mặc quần áo rộng.
Những lưu ý trong cách chăm sóc da cho trẻ:
1. Giặt quần áo cho trẻ
Chỉ sử dụng các chất tẩy rửa dành cho trẻ em, nước giặt không có mùi thơm và không có thuốc nhuộm để giúp tránh những chất có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé. Giặt quần áo trẻ em riêng biệt với đồ giặt của gia đình, vỏ gối, chăn mền …
2. Các vấn đề khi tắm
Da em bé rất nhạy cảm, và cũng dễ bị mất nước, nên khi tắm, không nên ngâm trong nước quá lâu.
Nên chọn sữa tắm phù hợp cho bé, tốt nhất là loại không mùi, không có chất tẩy rửa, tránh xà phòng kháng khuẩn.
Đối với bé da dễ bị khô, nên thoa kem dưỡng ẩm cho bé ngay sau khi tắm xong khi da vẫn còn ẩm, vỗ nhẹ cho thuốc thấm vào da thay vì chà xát.
3. Mát-xa cho bé
Nếu bé có cảm giác khó chịu do tình trạng da mẩn cảm, có thể mát-xa cho bé.
Nhẹ nhàng vuốt ve và mát-xa làn da của bé không chỉ giúp tăng cường thư giãn mà còn có thể dẫn đến giấc ngủ ngon hơn và giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
4. Phấn rôm
Bé có thể hít phải những hạt bột phấn rôm dù nhìn bột có vẻ rất mịn và nguy cơ thể gây ra vấn đề hô hấp, phổi.
Vì vậy, tốt nhất là tránh sử dụng phấn rôm cho trẻ sơ sinh.
Nếu muốn sử dụng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, và khi dùng hãy rắc bột lên tay bạn và xoa phía sau lưng, gáy của bé.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Hầu hết các phát ban và vấn đề về da của bé không nghiêm trọng, nhưng cần được lưu ý các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng tại chỗ hoặc là biểu hiện của một bệnh lý nhiễm trùng toàn thân.
Hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức nếu:
– Da của bé có những chấm nhỏ màu đỏ tía,
– Da phát ban nổi mụn nước hoặc có dịch vàng,
– Bé bị sốt, lừ đừ, li bì.