MỘT SỐ LƯU Ý CÓ THỂ CẦN CHO MẸ SAU SINH – Đặc biệt là những mẹ sinh mổ giống mình

Dẫu sinh lần 2 nhưng thời gian cũng làm mình thấy trải nghiệm sinh nở vẫn mới mẻ như lần đầu. Hơn chục ngày nằm viện với sự trợ giúp hết sức tận tình của các bác sĩ và midwife 24/7, đặc biệt là những hướng dẫn và trò chuyện chuyên môn đã giúp mình vượt qua tuần đầu tiên dễ dàng và khoa học hơn. Bữa nay bà với zai lớn đẩy zai nhỏ ra ngoài đi dạo, mới tranh thủ lục lại trí nhớ cá vàng sau sinh để tổng hợp và chia sẻ lại, chắc sẽ cần cho những bà mẹ sắp sinh hay vừa sinh.

1/ SINH THƯỜNG HAY SINH MỔ
Mình chả nhớ đã có bao nhiêu cuộc trò chuyện với bác sĩ sản trước khi sinh về chuyện mình sinh thường hay mổ. Lần đầu sinh mổ vì em bé không tụt đầu xuống và phải kích đẻ 10 tiếng rồi vừa đau đẻ vừa đau mổ khiến mình khá ngại ngùng với việc lại thử lại sinh thường. Tuy nhiên, lần nào cũng như lần nào và dù có gặp ai, câu trả lời của các bác sĩ đều vẫn là nên cố gắng sinh thường để tốt cho cả mẹ và con, nếu không được thì phương án backup là mổ (chứ họ không chỉ định mổ vì sức khoẻ của mình và em bé hoàn toàn bình thường).
Với mình, sinh mổ là một ca phẫu thuật, mà phẫu thuật thì hồi phục đương nhiên sẽ lâu hơn tự nhiên rồi. Nếu có thể sinh thường, các bà mẹ có thể lựa chọn gây tê màng cứng để đỡ mất sức, phương pháp này cũng an toàn và phổ biến. Quan trọng là sau sinh việc phục hồi của mẹ sẽ nhanh hơn, phục hồi nhanh có nghĩa là mẹ sẽ đỡ stress hơn vì việc chăm em bé sau sinh thật sự khá vất vả. Riêng việc mỗi lần ngồi dậy cho em bé ti cũng đã mất thời gian và sức lực nếu mẹ bị đau vết mổ rồi. Tất nhiên, mỗi bà mẹ sẽ có các lựa chọn khác nhau, nhưng mình nghĩ không nên lạm dụng việc mổ lấy thai nếu như mẹ và em bé có sức khoẻ và điều kiện sinh thường.

2/ SKIN 2 SKIN VÀ CHO BÚ NGAY SAU MỔ KHÔNG CẦN CHỜ
Sau sinh mổ, vừa vào phòng hồi sức mình đã được cho da tiếp da và cho em bé bú, không cần chờ đợi vài tiếng. Thậm chí lúc đó thuốc tê vẫn còn tác dụng nên việc cho con bú hay ôm em bé còn dễ dàng và thoải mái hơn sau đó nhiều.

3/ VÀNG DA SINH LÝ
Trẻ châu Á và châu Phi bị vàng da sinh lý khá phổ biến, không nguy hiểm nhưng khiến em bé mệt mỏi và nếu em bé li bì, bỏ bú, ngủ nhiều thì chỉ số bilirubin lại càng tăng, vàng da càng nặng. Mình không rõ ở Việt Nam với các trường hợp vàng da thì bác sĩ và y tá dặn dò mẹ thế nào, nhưng đây là cách mà midwife ở đây thực hiện và hỗ trợ mình:
– Thời gian giữa những lần cho em bé ti không được lâu hơn 3 tiếng/lần, nếu con ngủ li bì thì phải đánh thức con dậy để ti (bằng cách cù vào gan bàn chân, ốp tay con lên kính lạnh hoặc bế thẳng con lên để gọi con dậy). Việc ti đủ sẽ giúp chất bilirubin gây vàng da đào thải ra ngoài theo đường tiểu và phân, nếu không cái vòng luẩn quẩn bỏ bú – li bì và tăng chỉ số bilirubin sẽ cứ lặp đi lặp lại, dẫn tới bệnh nặng hơn.
– Em bé sẽ được cân trước và sau mỗi lần ti, để đảm bảo con ăn đủ. Ngày thứ 3 sau sinh con nên ti ít nhất khoảng 15ml/lần, ngày thứ 4 sau sinh là 25ml/lần và tới ngày thứ 6 sau sinh thì là khoảng 75ml/lần. Trường hợp con không bú đủ, mẹ nên vắt sữa để cho con ăn bằng thìa, xin sữa donate từ mẹ khác hoặc bổ sung sữa công thức.
– Ngày thứ 3 sau sinh, em bé cần bú ít nhất 15 phút mỗi bên ngực mỗi lần ti và tới ngày thứ 7 thì cần bú ít nhất khoảng 20 phút mỗi bên mỗi lần ti. Mình phải thủ sẵn cái đồng hồ để bấm giờ mỗi lần cho con ti, ti đủ thời gian cũng giúp con ti được phần sữa đặc chứa nhiều dinh dưỡng hơn từ mẹ.
– Có trường hợp bé sẽ tự hết vàng da, có trường hợp bé không thể tự hết mà chỉ số vàng da tăng sau 3-4 ngày thì sẽ được chỉ định để chiếu đèn. Chỉ số vàng da được đo bằng thiết bị chuyên dụng trên da cộng với xét nghiệm máu (bạn bé nhà mình trong mấy ngày bị lấy tới 10 ống máu ?)
– Sau 7 ngày, chỉ số vàng da không tự giảm mà vẫn tăng nên em bé của mình được chỉ định chiếu đèn trong 24h. Bố mẹ và con ở 1 phòng, cứ mỗi 3h chiếu xong con được nghỉ 30-60 phút để cho ti và đặt vào nôi chiếu tiếp. Sau chiếu 2 ngày con tiếp tục được xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số có còn tăng hay không, có trường hợp em bé phải chiếu tới lần thứ 3 mới ổn.

4/ CÂN NẶNG của em bé giảm sau khi đi hết phân xu, và em bé được coi là phát triển tốt khi sau 14 ngày, cân nặng của em đạt bằng cân cũ lúc vừa mới sinh. Lưu ý nữa là chỉ cần quan tâm cân nặng của bé có tăng không so với chính em bé trước đó, chứ không phải là so với em bé khác.

5/ ĐAU ĐẦU TI KHI CHO BÚ NHỮNG NGÀY ĐẦU
Mẹ nên mua sẵn kem bôi đầu ti (mình hỏi và midwife đưa mình loại Purelan 100 của Medela – ở bệnh viện được cái hỏi gì cũng có, không phải tự mua), vì những ngày đầu cho bé ti thường khá đau và rát. Mình còn bị chảy ít máu, nhưng bôi kem vào thì dịu hẳn sau 2 ngày và sau đó là hết hẳn nứt và rát. Kem này an toàn và không ảnh hưởng gì tới việc em bé ti. Mẹ nên tìm mua tuýp nhỏ cho tiết kiệm.

6/ LÀM GÌ ĐỂ ĐỠ ĐAU KHI SINH MỔ?
– Mẹ có thể gấp 1 chiếc khăn tắm nhỏ thành kích thước 25x15cm, ốp đè vào vết mổ khi đi lại, ho hoặc cười. Đây là mẹo mà midwife hướng dẫn và mình thấy thực sự hữu ích. Lần đầu mổ không biết nên cứ để cái bụng đau không có cơ nó chảy xệ xuống và đi lại làm gì cũng rất khó khăn.
– Ngoài ra, việc mẹ tự ngồi dậy lần đầu tiên sau mổ rất quan trọng, nếu giường bệnh có thể điều chỉnh dựng lên ngả xuống thì không cần sự trợ giúp của người nhà để đỡ nâng. Buổi trưa ngày đầu sau mổ mình đã bị lôi dậy để tập tự ngồi dậy và đi lại, rửa ráy thay quần áo. Lần đầu tất nhiên rất khó khăn nhưng đã làm được thì những lần sau dễ dàng hơn nhiều.
– Khi đứng lên, mẹ nên ngồi thẳng, chân vuông góc với sàn nhà, chống 2 tay lên đùi và đứng lên bằng cơ đùi sẽ đỡ đau và dễ dàng hơn.
– 3 ngày đầu tiên mình được uống giảm đau liều mạnh (chả biết mạnh tới đâu nhưng vẫn đau vô cùng hehe) và 10 ngày sau sinh mình vẫn uống paracet (paracetamol). Y tá nói nếu đau mình nên uống giảm đau, không nên cố chịu đựng đau đớn vì mình cần đi lại, vận động và cho em bé bú hoặc bế bé. Mình không rõ thuốc giảm đau có ảnh hưởng tới lượng sữa trong những ngày đầu hay không, nhưng với cá nhân mình thì uống nhiều nước, ăn đủ bữa thì sữa vẫn có bình thường.
– Nhờ ai đó bế em bé để tranh thủ ngủ và nghỉ nhiều nhất có thể.

7/ TRẦM CẢM SAU SINH
Trầm cảm sau sinh ngày càng phổ biến và xảy ra ở cả bố lẫn mẹ. Các bà mẹ nên tìm đọc trước về trầm cảm sau sinh và chủ động tìm tới sự trợ giúp cần thiết trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Có một nghịch lý thú vị là ở đây trầm cảm thường xảy ra ở những đôi vợ chồng trẻ vì họ không có người giúp đỡ những tuần đầu tiên sau sinh – do văn hoá không sống nhiều thế hệ trong một ngôi nhà cũng như con cái có sự tách biệt khỏi cha mẹ từ khá sớm. Còn ở Việt Nam thì trầm cảm lại có nguyên nhân từ việc có quá nhiều người xung quanh can thiệp và tham gia hoặc phán xét, đánh giá hoặc đưa ý kiến, mâu thuẫn về việc chăm sóc em bé khiến người bố/mẹ bị áp lực và suy sụp.

8/ MỘT SỐ LƯU Ý KHÁC được khuyến cáo bởi bác sĩ và midwife của mình:
– Không nhất thiết phải kiêng một loại thực phẩm nào, mẹ có thể ăn đa dạng nhưng với lượng phù hợp, không ăn quá nhiều một loại thức ăn là được. Ăn đồ mềm, nhiều chất xơ, dễ tiêu hoá, rau và trái cây
– Không nên băng rốn của bé mà để rốn thoáng, khô
– Không cần tắm cho bé hàng ngày
– Nên nằm sấp 30 phút mỗi ngày nếu có thể (với mẹ sinh mổ)
– Trong 4 tuần đầu tiên, mẹ (sinh mổ) không nên cố gắng nâng các vật nặng hoặc túi đựng đồ v.v.
– Nên sử dụng thuốc hỗ trợ làm mềm phân từ ngay những ngày đầu sau sinh để đề phòng chứng táo bón (mình kinh sợ nhất vụ này ?). Mẹ không nên tự dùng thụt ở nhà vì dùng liên tục có thể làm mẹ bị tụt huyết áp, đặc biệt nguy hiểm với mẹ vừa sinh mổ.
– Cố gắng bỏ ngoài tai những lời đánh giá, phán xét hay vô duyên – tự tin vào bản năng cũng như bổ sung kiến thức làm cha mẹ, chăm sóc con của mình

Cuối cùng thì, không phải bạn đang tưởng tượng đâu, “não cá” ở các bà mẹ (và cả những ông bố tham gia vào quá trình chăm sóc con) là có thật. Thật thú vị vì midwife đã đề cập tới hiện tượng này trong buổi trò chuyện trước khi bọn mình ra viện. Rất bình thường nếu như bạn bỗng trở nên hơi đãng trí sau khi có em bé, những thay đổi cấu trúc lâu dài xảy ra trong não của các bà mẹ là để thúc đẩy sự chăm sóc tối ưu cho con cái của họ.

Nếu bạn cảm thấy mình như một người mới kể từ khi trở thành cha mẹ, thì có thể bạn như vậy thật. Vì vậy, hãy thả lỏng bản thân và thông cảm cho nhau. Hãy ghi chép lại những gì quan trọng phòng trường hợp bạn có thể quên mất đi sau khi sinh và chăm em bé, như là take note lại những điều chia sẻ của mình ở trên chẳng hạn.

Nguồn: Linh Phan

Bình luận
Mục tiêu

Nhìn nhận con người toàn diện

Ý chí – Tình cảm – Suy nghĩ

Làm điều đúng vào thời điểm đúng

Tự do trong dạy và học

Giữ gìn bản sắc, văn hoá dân tộc

Đồng hành cùng phụ huynh

DMCA.com Protection Status