Đã hơn 1 năm chị quay lại Việt Nam sau hơn 11 năm học tập và sinh sống tại Nhật Bản. Đến thời điểm này, chị suy nghĩ như thế nào về quyết định quay về quê nhà của mình?
– Quãng thời gian hơn 11 học tập và sinh sống tại Nhật Bản đủ để tôi có rất nhiều trải nghiệm thực tế ở Nhật và có thể có một cuộc sống ổn định ở đất nước này. Nếu tôi tiếp tục cuộc sống ở Nhật thì cuộc sống sẽ “êm đềm” và dễ dàng hơn cho cả tôi và gia đình. Nhưng có điều gì đó tôi chưa thực sự thỏa mãn. Tôi quyết định về Việt Nam và thực hiện đam mê của mình – làm về lĩnh vực giáo dục. Đây là một lĩnh vực hoàn toàn khác với chuyên ngành tôi được đào tạo.
Nhiều người thắc mắc tôi có bị “shock văn hóa” khi về Việt Nam không? Tôi đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận mọi điều xảy đến nếu “dấn thân” vào con đường này và cả cuộc sống ở Việt Nam. Bởi tôi biết chắc chắn mọi điều sẽ không bao giờ được như mình mong muốn và điều quan trọng nhất là ở chính bản thân mình chứ không phải yếu tố môi trường xã hội quanh bạn.
Và “hãy sống với những khoảnh khắc của hiện tại”, đó là lí do khi về Việt Nam tôi không hề nhớ nước Nhật, cũng như khi ở Nhật tôi rất ít khi nhớ về Việt Nam. Có rất nhiều thứ đáng học hỏi và rất nhiều trải nghiệm quý báu khi sống ở Việt Nam, đó là bạn cần học cách xây dựng mối quan hệ với gia đình, cộng sự, đồng nghiệp, phụ huynh và các bé.
Chị chia sẻ, đam mê của chị là làm về lĩnh vực giáo dục, cụ thể là gì?
– Khi còn ở Nhật Bản, tôi đã ấp ủ ước mơ về Việt Nam sẽ mở những lớp học ngoại khóa để trẻ được trải nghiệm thực tế, học mà chơi để nuôi dưỡng tinh thần tự giác, tự học, sự sáng tạo cho trẻ.
Tôi muốn đồng hành với những ba mẹ ở Việt Nam trong quá trình nuôi dạy con cái, thông qua việc chia sẻ những giá trị tinh thần tích cực và cả kiến thức cũng như những trải nghiệm tôi đã học được từ nước Nhật.
2 năm trước thật may mắn vì tôi đã tìm được bạn song hành để cùng nhau thực hiện được ước mơ mở trường mầm non Tsubaki theo phương châm giáo dục của người Nhật. Và với tôi, giá trị giáo dục thực sự mà tôi theo đuổi là giáo dục xuất phát từ tình yêu thương.
Hai năm tham gia giáo dục mầm non, chị đã khuyên bố mẹ – những người gặp khó khăn trong thời gian đầu đưa con tới nhà trẻ như thế nào?
– Từ trước đến nay bé chỉ quen ở với bà, với mẹ mà hôm nay đột nhiên bị tới một môi trường hoàn toàn mới sẽ khiến bé sợ hãi và không muốn đi. Vì thế bố mẹ hãy để bé làm quen trước với trường lớp, thầy cô và các bạn bằng cách cho bé tham quan, làm quen trước một vài buổi thì bé mới không bị sợ sệt bỡ ngỡ.
Với trẻ trong giai đoạn 0 – 3 tuổi thì việc xây dựng lòng tin với người khác sẽ rất quan trọng. Yêu thương, ôm ấp chính là một cách để xây dựng lòng tin. Giúp bé tin tưởng thầy cô, trường lớp rồi thì bé sẽ không còn sợ hãi khi phải đi nhà trẻ nữa.
Vài năm trở lại đây, dạy con kiểu Nhật được nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, nền văn hóa của Nhật và Việt Nam khác nhau. Chị và cộng sự của mình đã lựa chọn những điểm nào của giáo dục Nhật để áp dụng vào giáo dục mầm non ở Việt Nam?
– Dựa vào môi trường sống và nét văn hóa của Việt Nam, chúng tôi đã lựa chọn 4 đặc điểm của giáo dục mầm non Nhật để áp dụng:
Thể chất và sức khỏe: Khi cơ thể được vận động càng nhiều sẽ càng kích thích não phát triển và giúp trẻ hứng thú với học tập hơn. Ngoài ra, việc được tiếp xúc với thiên nhiên sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tò mò hứng thú với xung quanh, và tính cảm thụ phong phú. Vì thế trường chúng tôi chú trọng đến phát triển thể chất, cũng như trẻ được chơi tự do ngoài thiên nhiên nhiều hơn giúp rèn luyện cả sức khỏe và tinh thần. Thay vì sân bê tông hay cỏ nhân tạo chúng tôi để sân cát để trả được tự do khám phá. Vào những buổi đi dạo buổi sáng trẻ được chạm vào cây xấu hổ, những bụi cây xuyến chi dính vào áo len…
Những bí ẩn của thiên nhiên trẻ được trải nghiệm trong thời kì ấu thơ, là thời kì nuôi dưỡng cảm giác hay tính cảm thụ khoa học, sẽ là tiền đề để nuôi dưỡng cho trẻ sự hiếu kì về thế giới sau này.
Sự tự lập: Nuôi dưỡng cho trẻ tinh thần tự chủ, tự lập trong những sinh hoạt hàng ngày. Để trẻ được trải nghiệm từng chút một những nỗ lực “làm được rồi” với những “thành quả nho nhỏ” sẽ nuôi cho trẻ sự tự tin vào bản thân, và động lực cố gắng trong những việc khác.
Lứa tuổi nhà trẻ 1-2 tuổi trẻ được chú trọng rèn luyện những kỹ năng tự phục vụ cơ bản, được giáo viên chú trọng nuôi dưỡng cảm xúc cá nhân và khẳng định cái tôi.
Giai đoạn từ 3 tuổi trở đi trẻ sẽ được dạy về quy tắc ứng xử hay phép tắc nơi công cộng, nếp sinh hoạt tập thể trên tinh thần biết suy nghĩ đến mọi người.
Chú trọng rèn luyện EQ (trí tuệ cảm xúc) như chú trọng rèn luyện những kỹ năng giao tiếp thông qua việc dạy trẻ biết thấu hiểu cảm xúc của người khác, biết chia sẻ và quan tâm đến mọi người. Trẻ được dạy cách quan tâm đến cảm xúc của bạn, quan tâm đến các em nhỏ thông qua những hoạt động chơi tập thể thường xuyên với nhau và những câu truyện rèn luyện cảm xúc EQ.
Nuôi dưỡng trí tưởng tượng và thẩm mỹ qua các hoạt động trải nghiệm với thiên nhiên, hoạt động về tạo hình và nghệ thuật. Vì thế giới tương lai nơi trẻ sống sau này sẽ là thế giới của trí tuệ nhân tạo thì điều con người cần nhất chính là trí tượng tượng và cảm xúc phong phú.
Chương trình phát triển ngôn ngữ chú trọng nuôi dưỡng tâm hồn được thẩm thấu những nét đẹp của tiếng Việt, đó là đồng dao, ca dao, và những trò chơi dân gian. Để dù sau này đi đâu, làm gì thì trong mỗi con người Việt Nam, đó là điều đáng để tự hào nhất, là “identity” để tiếng Việt và người Việt Nam không bị lẫn với bất cứ dân tộc nào.
Trong những đặc điểm đó, chị thấy cái nào khó nhất trong việc dạy dỗ trẻ con?
– Trong tiếng Nhật tự lập có hai ý nghĩa. Một ý là chỉ về việc đứa trẻ có thể tự mình làm mọi việc liên quan đến bản thân – tự phục vụ. Ý nghĩa thứ 2 là sự tự lập từ trái tim, từ bên trọng đứa trẻ có thể tự mình phán đoán, hành động thay vì để người lớn phải thúc giục, điều khiển.
Cả hai việc tự lập ở trên của trẻ là một bài toán khó ở Việt Nam hiện nay. Điều này do bố mẹ và ông bà chưa tin tưởng, chưa biết cách và chưa đủ kiên nhẫn với các con.
Bố mẹ cần làm gì để muốn con tự lập được cả hai khía cạnh trên?
– Điều cốt lõi khiến một đứa trẻ tự lập chính là sự tự tin. Khi các con được thừa nhận, được khích lệ và yêu thương đầy đủ thì chúng sẽ tự tin để tự lập.
Gia đình và nhà trường phải cần có sự đồng nhất trong phương pháp giáo dục đứa trẻ. Đặc biệt trong gia đình cả bố mẹ và ông bà cũng cần phải cùng lập trường và quan điểm. Ví dụ có những thói quen của con, bố mẹ phải mất nhiều tháng mới rèn được cho bé, nhưng chỉ vì ông bà thấy thương nên đã làm hộ.
Vậy là, bao nhiêu công sức của bố mẹ đổ bể. Người lớn thường thiếu kiên nhẫn với trẻ, thấy trẻ lóng ngóng, làm chậm thì giằng lấy làm cho, ông bà thì luôn nói “Nó con bé biết làm cái gì đâu?”, chính là rào cản lớn nhất để giúp con học cách tự mình làm.
Nhiều bố mẹ mắc phải lỗi mắng con trước mặt người khác và phủ nhận nhân cách của con. Khi con bắt đầu bước vào tuổi muốn chứng tỏ bản thân, muốn thể hiện chính kiến thì thay vì thừa nhận cảm xúc và mong muốn ấy, bố mẹ lại phủ định luôn “không được”, và hay dán nhãn “trẻ hư”.
Hoặc khi được nuông chiều quá mức, muốn gì được nấy cũng không thể giúp trẻ nuôi dưỡng khả năng biết kiềm chế cảm xúc của bản thân.
Vậy thì, chị đã thừa nhận cảm xúc và lắng nghe con như thế nào?
– Có những lần khi Bon (con của chị Thu – pv) cáu với mẹ thì tôi để con khóc, hay lúc tôi bực mình với con thì tôi sẽ im lặng không nói gì, tôi đi làm việc khác. Một lát sau, chờ con và bản thân tôi bình tĩnh hơn thì tôi sẽ đến bên Bon, ngồi cạnh rồi ôm con vào lòng vỗ về. Tôi để con tự nói ra những cảm xúc mà con vừa trải qua “Con ghét mẹ, con đau khổ lắm mẹ biết không, con buồn lắm”…
Tôi chỉ nhẹ nhàng vỗ vai con “Ừ, mẹ biết rồi. Hai mẹ con mình làm hòa nhé. Mẹ yêu Bon lắm. Giờ Bon muốn cùng mẹ chơi cái gì nào?”. Sau đó, khi bắt đầu chơi và lúc Bon đã vui vẻ trở lại tôi sẽ nói cho Bon những thông điệp mà mình muốn dặn dò con.
Nhiều lần hai mẹ con tôi làm lành với nhau thông qua những cuộc im lặng như thế. Đối đầu khi cả mẹ và con cùng nóng giận chưa bao giờ là điều tốt, đôi khi nó chỉ khiến đứa trẻ học theo tính nóng nảy và những lời nói lúc cha mẹ nóng giận thôi. Ngược lại, cả người lớn và trẻ con đều rất cần những khoảng thời gian im lặng, để điều chỉnh cảm xúc của chính mình. Im lặng sẽ chữa lành những vết thương!
Chị có lời khuyên nào dành cho các bố mẹ trong quá trình giúp các con trở nên tự tin?
– Khi con làm hỏng cái gì là ba mẹ liền mắng mỏ: “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi, không được làm thế, phải chú ý chứ!”. Hay khi con bị điểm kém ở trường thì “Mẹ đã nhắc phải học bài bao nhiêu lần rồi!”. Có nghĩa là trước mỗi thất bại, bố mẹ luôn dùng những từ ngữ phủ định và la mắng theo cảm tính. Đó là nguyên nhân đầu tiên khiến con mất tự tin để có thể duy trì sự nỗ lực đến cùng.
Bố mẹ chăm sóc chu đáo cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày chính là một hành động nuôi dưỡng cảm xúc tin cậy vào cha mẹ, bởi vì thông qua những việc được chăm sóc ấy trẻ cảm nhận được rằng mình có giá trị tồn tại nhất định với cha mẹ, mình được bố mẹ yêu mến nên sẽ tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ.
Khi trẻ muốn kể cho bố mẹ nghe chuyện gì thì dù bận đến mấy cũng hãy hướng ánh mắt đến con và hồi đáp lại câu chuyện “Ừ, thế à…” vì hành động ấy của bố mẹ khiến trẻ cảm nhận rằng “A, mình rất là quan trọng với cha mẹ!”, trẻ sẽ tự tin với chính mình hơn.
Hãy nói với con “Cảm ơn con!” thật nhiều, mỗi khi trẻ làm gì đó giúp bố mẹ. Trẻ sẽ cảm nhận được mình có vai trò nhất định, giúp ích được cho bố mẹ, tự nhiên trẻ sẽ càng có hứng thú và động lực để làm việc hơn.
Thời gian con ở nhà với bố mẹ có thể ít hơn thời gian con ở trường và ở cạnh ông bà, thậm chí người giúp việc. Nhiều bố mẹ vẫn cho rằng, con học được nhiều nhất là khi ở trường. Chị suy nghĩ như thế nào về điều này?
– Nhiều bố mẹ vẫn nghĩ con chỉ có 2 tiếng mỗi ngày ở cùng bố mẹ, trong khi có tận 8 tiếng ở trường cùng với thầy cô, nên giao phó việc giáo dục con cho nhà trường và kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc của bé.
Nhưng bố mẹ quên mất rằng dù chỉ là 2 tiếng, nhưng 2 tiếng ấy đứa trẻ không phải gồng mình để thể hiện với bất cứ ai, đứa trẻ được trở về là chính mình nhất. Trong 2 tiếng ấy chỉ cần ba mẹ lắng nghe, thừa nhận nhu cầu cảm xúc, và kiên nhẫn với những cơn mè nheo thì chắc chắn sợi dây tình cảm sẽ ngày càng khăng khít.
2 tiếng ấy bạn bỏ công việc sang một bên để trò chuyện, chơi cùng, ăn cùng, tắm cùng, và làm việc nhà cùng thôi cũng quá đủ để chúng cảm nhận tình yêu thương, và học được mọi thứ từ bố mẹ, từ hành vi ứng xử, từ lời ăn tiếng nói. Vì thế 2 tiếng ấy chất lượng hơn rất nhiều so với 8 tiếng ở trường.
Bên cạnh đó, tình yêu của các cô giáo khác với tình yêu của bố mẹ dành cho con cái. Vì vậy, cách các bạn nhỏ tiếp nhận và học hỏi từ hai đối tượng này cũng khác nhau và chúng thường bị ảnh hưởng từ bố mẹ nhiều hơn.
Để dạy được một đứa trẻ thì cần sự đồng nhất giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Điều này không phụ thuộc vào độ dài ngắn của thời gian bố mẹ ở bên con. Có thể nói, giáo dục tuyệt vời nhất chính là giáo dục gia đình mà ở đó, nuôi dạy con tốt nhất từ chính sự nỗ lực của bố mẹ. Gia đình chiếm tới 60 – 70% trong việc giáo dục trẻ nhỏ.
Chị có thể lấy ví dụ điển hình?
– Trẻ sẽ học theo những gì bố mẹ chúng bởi vì trẻ em chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của bố mẹ. Nên muốn dạy trẻ những phép tắc thì đầu tiên bố mẹ hãy làm rồi cho trẻ nhìn và làm theo, tiếp đến hãy tạo ra một môi trường để trẻ có thể học được cách ứng xử và các phép tắc thay vì chỉ dùng lời nói để thuyết giáo trẻ.
Tôi lấy ví dụ về việc chào hỏi, trong cùng một lớp học, có đứa trẻ vừa nhìn thấy cô đã chào hỏi và cũng có vài đứa trẻ không chào cô. Vì chúng thấy bố mẹ không chào cô giáo nên bắt chước.
Có phải, bố mẹ đang quá kỳ vọng vào sự phát triển của một đứa trẻ mà quên mất họ cũng từng có khoảng thời gian tuổi thơ?
– Bố mẹ càng kỳ vọng vào việc nuôi dạy con cái thì càng dễ rơi vào khuynh hướng không muốn con thất bại. Khi con gặp khó khăn một chút là chạy đến giúp liền “Con làm như này mới đúng này!”, hay “Con không làm như này thì con sẽ làm sai đấy!”. Có nghĩa là ba mẹ đã tước đoạt đi cơ hội được trải nghiệm thất bại của con.
Đặc biệt là ở giai đoạn tầm 2 – 3 tuổi, trẻ còn chưa thành thục về các kỹ năng thì càng nhiều ba mẹ có khuynh hướng thích “vẽ đường trước cho hươu chạy” thay vì để con hươu đó tự học cách suy nghĩ và học cách thất bại.
Vậy thì, cách tốt nhất là gì?
– Để con tự mình sửa chữa sai lầm. Vì đó là cách tốt nhất giúp con không sợ bị thất bại cũng như rút ra được bài học sau mỗi lần làm sai. Có lần Bon bê hộp sữa từ tủ lạnh và làm đổ tràn ra sàn, mình nhớ lại bài học về chai sữa đổ đã đọc được ở đâu đó trên mạng, mình bảo “ôi sữa lênh láng cả ra sàn rồi, mình phải làm gì nhỉ. Hai mẹ con mình cùng lau dọn nào. Hay khi Bon san nước từ cốc này sang cốc kia để nghịch, đổ ra bàn thì Bon luôn là người lau dọn.
Những chia sẻ ở trên cũng được tôi chia sẻ trong cuốn sách “Kỉ luật mềm của trái tim”, NXB Kim Đồng, dự định phát hành vào dịp 21/4 sắp tới.
Theo Tú Anh- Ái Linh- Lam/ Gia đình mới