Bác sĩ Đoàn Thị Mai |
Chúng ta có nhiều phương pháp ăn dặm, nổi bật lên là 3 phương pháp:
– Ăn dặm Truyền thống,
– Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN)
– Ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW).
Cả 3 phương pháp này đều có ưu điểm và nhược điểm đặc biệt cần phải chú ý.
Phương pháp ăn dặm Truyền thống có ưu điểm là bé ăn tốt và tăng cân tốt trong những tháng đầu. Nhưng nhược điểm là quá chú trọng đến lượng thức ăn, và không năm được sở thích hay việc em bé có dị ứng với một loại đồ ăn nào không.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) bé được ăn từng loại đồ ăn riêng biệt, nên sẽ nhận biết tốt mùi vị thức ăn, thích ứng tốt độ thô. Nhưng nhược điểm là chế biến phức tạp, và không phải mẹ nào cũng có đủ thời gian chế biến.
Ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW) là kiểu ăn dặm thích hợp hơn với văn hóa phương Tây. Phương pháp này giúp em bé có kĩ năng phối hợp tương tác tốt giữa tay và mắt, rèn tính tự lập tự tin. Nhược điểm lớn nhất là mẹ cần phải cực kì bình tĩnh và vững tin để xử lí các tình huống của em bé như là hóc. Phương pháp này ít được các gia đình ủng hộ nhất, đặc biệt là những gia đình sống chung nhiều thế hệ.
Như vậy không có phương pháp tốt nhất, cũng không có phương pháp nào tốt hơn phương pháp nào cả. Chỉ có phương pháp phù hợp nhất. Tức là các mẹ sẽ dựa vào tính cách của em bé, định hướng chăm sóc, và điều kiện thực tế của từng gia đình để lựa chọn phương pháp ăn dặm cho con mình.
Mẹ không cần quá cứng nhắc, có thể linh hoạt theo từng thời điểm và từng giai đoạn của em bé. Cần tránh căng thẳng stress trong việc ăn uống hay làm đảo lộn mọi thói quen trong gia đình. Vì như thế chúng ta sẽ không duy trì lâu được.
Các mẹ sẽ dựa vào tính cách của em bé để định hướng chăm sóc và để lựa chọn phương pháp ăn dặm cho con mình. Ảnh minh họa
Chúng ta linh hoạt giữa các phương pháp, miễn là mẹ có thể đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Ăn dặm khi bé đủ 6 tháng tuổi và bé đủ các điều kiện để ăn dặm ( cứng cổ, có thể ngồi khi hỗ trợ…)
– Cho bé ăn từng món riêng trước để làm quen và xem bé có bị dị ứng món gì không.
– Ăn từ “ngọt” đến “mặn” tức là sẽ ăn bột hay cháo với rau củ trước, sau đó một thời gian mới kết hợp thêm chất đạm. Đạm có khả năng gây dị ứng cao, nên chúng ta sẽ không cho bé ăn ngay từ đầu.
– Nên tự chế biến đồ ăn, dùng thực phẩm quen thuộc với gia đình và theo mùa để giảm tình trạng tồn dư thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu..
– Không nêm bất cứ gia vị gì cho trẻ dưới 1 tuổi.
– Bữa ăn nên kéo dài tối đa trong 30 phút.
– Không xem ti vi, điện thoại khi ăn, không bế ăn rong.
– Ăn theo nhu cầu của trẻ, và tuyệt dối không ép bé ăn.
Dù ăn dặm kiểu nào thì các chuyên gia đều khuyến cáo cần để trẻ thoải mái ăn uống một cách vui vẻ nhất. Ảnh minh họa
Các mẹ có thể tham khảo phương pháp kết hợp như sau
Giai đoạn 1 ( 5-7 tháng): Kết hợp ADKN và ăn dặm Truyền thống. Bắt đầu bằng ADKN để bé nhận biết tốt các loại mùi vị thực phẩm khác nhau. Sau đó áp dụng ăn dặm Truyền thống, nấu kết hợp các thực phẩm.
Giai đoạn 2 (8-10 tháng): ADKN và BLW. Đây là giai đoạn cần điều chỉnh độ thô của thức ăn để bé tập nhai nên chúng ta sẽ áp dụng phương pháp ADKN. Khoảng một vài tháng bé bắt đầu nhai tốt hơn chúng ta cho bé ăn dặm BLW. Lúc này cũng là giai đoạn biếng ăn sinh lí của bé, việc ăn dặm BLW sẽ có hiệu quả tốt trong việc kích thích hứng thú ăn uống của các bé. Chú ý là mẹ sẽ phải cần tách tiêng 2 bữa mẹ xúc và BLW để bé nhận biết tốt và tạo thói quen ăn uống. Hoặc mẹ có thể cho bé ăn BLW ở bữa phụ là hoa quả.
Giai đoạn 3 (từ 11 tháng): Lúc này áp dụng BLW không hoàn toàn. Tức là nửa đầu bữa ăn mẹ sẽ cho bé ăn dặm BLW, nửa sau mẹ sẽ xúc để trợ giúp bé ăn.
Và cuối cùng các mẹ nhớ là mỗi em bé sẽ có đặc điểm phát triển thể chất tinh thần khác nhau nên chúng ta cần linh hoạt theo để điều chỉnh các mốc thời gian cho phù hợp hơn. Mục đích cuối cùng là trẻ có thể nạp đủ dinh dương, tập được các kĩ năng nhai nuốt, và phân biệt mùi vị.
Hãy để bữa ăn của trẻ luôn vui vẻ và thoải mái nhất!
Theo Bác sĩ Đoàn Thị Mai
Nghiên cứu sinh tiến sĩ dinh dưỡng và miễn dịch nhi khoa – Khoa y – Bệnh viện Đại học Tổng hợp Sankt-Peterburg (Nga)