Dựa trên bằng chứng y khoa, một số hành vi lựa chọn thức ăn và cách cho ăn hợp lý được xem là rất quan trọng trong việc giúp các gia đình củng cố cách sống mạnh khỏe, tích cực cho trẻ nhỏ.
Bú mẹ
• Bú mẹ trong năm đầu đời của trẻ.
• Rất nhiều ba mẹ ngạc nhiên khi biết được rằng trẻ được cho bú mẹ tối thiểu 6 tháng sẽ có ít nguy cơ thừa cân, béo phì sau này. Việc cho con bú mẹ là một việc rất tốn thời gian và công sức, nhưng là một cách rất tốt để liên kết với con và giúp cho trẻ khỏe mạnh.
• Nghiên cứu cho thấy, thời gian cho bú mẹ càng dài, nguy cơ béo phì về sau của trẻ càng thấp. Khi phỏng vấn, đa số bà mẹ lúc mới sinh đều mong muốn cho con bú sữa mình, tuy nhiên, thực tế, chỉ có khoảng 14% bà mẹ thực hiện được việc cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Những giai đoạn quan trọng làm mẹ dễ ngưng việc cho con bú sữa mẹ hoàn toàn gồm: khi được xuất viện về nhà, lúc trẻ được 6-8 tuần tuổi, khi mẹ bắt đầu đi làm, và khoảng từ 6-8 tháng tuổi khi trẻ tự dứt bú mẹ và/hoặc bắt đầu cho ăn dặm.
Bú bình
• Nếu cho trẻ bú bình, nên thực hiện cách cho bú bình đúng. Tránh việc đưa bình sữa cho trẻ mỗi khi trẻ quấy với mục đích dỗ trẻ, vì có thể gây tăng cung cấp năng lượng không cần thiết cho trẻ.
• Nên để ý đến những “dấu hiệu” giao tiếp của trẻ để nhận biết được trẻ đói hoặc trẻ đã bú đủ để bắt đầu cho trẻ bú và dừng bú hợp lý.
• Không nên tìm cách để giữ bình cố định mà không cần dùng tay (vd như dùng dụng cụ cố định giữ bình, gác bình lên khăn đệm) trong khi cho trẻ bú, vì có nguy cơ sặc sữa, và tăng nguy cơ viêm tai.
Giới thiệu thức ăn:
• Bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi
• Giới thiệu cho trẻ nhiều loại thức ăn lành mạnh, dưới nhiều dạng: lỏng, đặc, lợn cợn, mềm, cứng…
• Việc bắt đầu ăn dặm là một phần quan trọng trong phát triển của trẻ. Trẻ ăn dặm càng sớm, càng dễ dư cân béo phì về sau, nên 6 tháng là thời gian lý tưởng nhất để bắt đầu, ngoại trừ nếu có tư vấn khác từ bác sĩ ở những trường hợp đặc biệt.
• Việc cho trẻ ăn dặm có thể là một trải nghiệm vui vẻ, cũng có thể gây phiền lòng nhiều cha mẹ. Một số ba mẹ lo lắng việc tốn tiền và việc bỏ thức ăn nếu trẻ không thích nhiều loại thức ăn. Tin vui là, khi trẻ bắt đầu ăn dặm, trẻ chỉ cần 1-2 muỗng thức ăn (tablespoon) (khoảng 15ml-30ml) ở mỗi lần ăn dặm, và dần tăng lên dần dần lên 3-4 muỗng thức ăn (45ml – 60ml) khi bé lớn hơn. Khi bạn cho trẻ làm quen với nhiều loại thức ăn, bạn sẽ giúp trẻ có một chế độ ăn khỏe mạnh trong đời trẻ.
• Nghiên cứu cho thấy, nhiều trẻ cần phải được giới thiệu một loại thức ăn nhiều lần trước khi trẻ chấp nhận thức ăn đó. Vì vậy, không nên loại bỏ ngay một loại thức ăn nào nếu ban đầu trẻ có biểu hiện không thích, mà nên thử lại những lần sau. Người ta cũng thấy trẻ nhỏ sẽ dễ chấp nhận những loại thức ăn mà trẻ thấy ba mẹ và người trong gia đình sử dụng.
• Đối với những trẻ khó tính, hoặc khó cho bú sữa, nhiều gia đình có xu hướng muốn bắt đầu cho trẻ ăn dặm sớm, lúc 3-4 tháng tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy việc cho ăn dặm trước 4 tháng tuổi có liên quan đến tăng cân và mỡ nhiều hơn, ở giai đoạn trẻ em.
Ăn vặt lành mạnh
• Khi trẻ 9 tháng tuổi, nên cho trẻ ăn giữa cữ 2-3 lần ăn vặt lành mạnh, dinh dưỡng mỗi ngày, ví dụ bánh qui, trái cây….
• Khuyến khích trẻ tự ăn
• Trẻ nên được khuyến khích dùng muỗng và tay để tự ăn, khi trẻ sẵn sàng, thường trong khoảng 8-9 tháng tuổi. Nghiên cứu cho thấy trẻ có bản năng tự điều chỉnh việc ăn uống của mình.
• Trẻ nên được khuyến khích dùng ly để uống từ lúc 6 tháng tuổi
• Ba mẹ nên để ý nhận biết dấu hiệu trẻ đói và no. Việc cho ăn khi đói giúp trẻ tự kiểm soát nhu cầu của mình tốt hơn.
Các thức uống lành mạnh:
• Trẻ nên chỉ được uống sữa mẹ hoặc sữa công thức trong năm đầu đời.
• Nếu muốn dùng nước trái cây, nên đợi cho đến khi trẻ chập chững đi. Nếu vẫn muốn cho trẻ uống nước trái cây, nên đợi đến khoảng 6-9 tháng tuổi mới bắt đầu, và nên giới hạn lượng nước trái cây chỉ khoảng 100ml mỗi ngày mà thôi.
• Nên tránh cách loại nước có đường cho trẻ.
Bs. Huyên Thảo.
Nguồn: American Academy of Paediatrics – Infants : food and feeding.