Tuổi ẩm ương này có thể xảy ra những cơn tức giận vô cớ bắt nguồn chỉ từ một câu nói. Đây cũng là cái tuổi mà con sẽ rất thích nói từ “Không” (một phần ảnh hưởng từ bố mẹ nữa đó). Và thậm chí, con có thể nói “Không” ngay cả khi con đồng ý hoặc thậm chí thực sự muốn (thiệt tình ?). Bởi vì quan trọng hơn cả là con muốn nói “không”, đơn giản thế thôi.
Dưới đây là một số kỹ thuật đơn giản mình có thể gợi ý cho bố mẹ, hãy thử áp dụng, chắc chắn ít nhiều cũng có tác dụng. Nói chung, làm bố mẹ không dễ dàng, vì chúng ta phải biến hóa sáng tạo khôn lường.
-KHÔNG! CON KHÔNG MUỐN ĐI GIÀY!
?Ok, vậy để nó tự nhảy lên chân con xem có được không nhé (ngữ điệu và cảm xúc phải vui tươi, đừng có cau có theo con). Cầm chiếc giày giả vờ nó đang chạy lại từ xa, vượt phải qua trái và HOPS, nhảy đến chân rồi!
– KHÔNG, CON KHÔNG ĂN!
?Ok, vậy mình sẽ không ăn. Mình ngồi thử vào bàn xem sợi mì đang bơi trong súp thế nào nhé, con bắt chúng thử xem có được không?
– KHÔNG, CON KHÔNG NGỦ!
?Ok, mình không ngủ cũng được. Hai bố con chỉ nằm nghỉ trên giường đợi mẹ vào thôi. (Đồng ý và ngáy sau 5 phút là có thật ?)
Dẫu rằng đây là quãng thời gian em bé nói “không” nhiều nhất trong 6 năm đầu đời, nhưng bản thân con lại không muốn nghe từ “không”. Khi con nghe thấy từ “Không”, con sẽ có thể bắt đầu phản kháng và bỏ ngoài tai tất cả những gì bố mẹ nói sau đó.
Vậy thì thay vì nói “Không”, hãy nói “Có, nhưng…” và đánh lạc hướng.
Kinh nghiệm cá nhân đã cho mình thấy kỹ thuật này hiệu quả (tất nhiên không phải trong mọi trường hợp, nhưng đa phần nó ít mang tới nước mắt hơn).
Khi con nghe thấy “Có”, việc đồng ý đối với chúng mà nói, sẽ dễ dàng hơn.
– Có, mẹ biết con muốn đi dạo thêm nhưng con nhìn này, trời đã bắt đầu tối rồi đấy. Con có nhớ bạn thỏ đang đợi mình ở nhà không?
– Có, mẹ biết con thích chiếc xe ô tô này, nhưng mẹ không có đủ tiền ngay bây giờ, mình có thể chờ tới sinh nhật con để mua nó không?
– Có, mẹ biết con đang rất tức giận bây giờ. Mình cùng thổi bay nó như thổi nến được không? (giơ ngón tay giả làm nến, khi con thổi thì ngón tay cụp xuống).
– Có, mẹ biết con muốn dậm chân nhưng ở dưới đất này có các bạn bọ đang sống, con dậm mạnh như vậy bạn ấy sẽ bị đau và chui lên vì tiếng ồn đấy. Hay mình đi ra ngoài để đá bóng (hoặc gợi ý một trò chơi khác trong nhà phù hợp) nhé?
BỞI VÌ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT LÀ MỘT ĐỨA TRẺ CẢM THẤY CON ĐƯỢC LẮNG NGHE, ĐƯỢC THẤU HIỂU VÀ ĐƯỢC ĐỒNG Ý.
Nguồn: Linh Phan