Trẻ bú sữa công thức thay vì bú sữa mẹ có nguy cơ béo phì cao hơn 25%. Một nghiên cứu quốc tế với hơn 100.000 trẻ từ 6 đến 9 tuổi, chỉ ra rằng gần 1 trên 6 trẻ bú bình bị béo phì khi chúng đến trường tiểu học.
Trẻ không bao giờ được bú sữa mẹ có tỷ lệ béo phì cao hơn 25% so với những trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất sáu tháng. Các chuyên gia tin rằng sữa công thức có thể khiến trẻ tăng cân và tăng trưởng nhanh hơn vì nó được phát triển từ sữa bò – vốn có hàm lượng protein cao hơn và có thể kích hoạt sự phát triển của các tế bào mỡ.
Con của những bà mẹ cho bú đủ ít nhất sáu tháng và ăn thêm sữa ngoài có khả năng béo phì thấp hơn 22% so với con của những mẹ không bao giờ cho bú. Tiến sĩ Joao Breda, tác giả cao cấp của nghiên cứu từ Văn phòng châu Âu về phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây truyền của WHO, cho biết: “Chúng ta cần xem thêm các biện pháp để khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ như trả lương hợp lý cho chế độ nghỉ thai sản”.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét các học sinh tiểu học ở 22 quốc gia châu Âu, các bà mẹ của những đứa trẻ này được hỏi rằng họ cho con bú trong bao lâu và liệu có cho con bú hoàn toàn mà không ăn thêm chất lỏng khác như nước không?
Kết quả có sẵn ở 16 quốc gia và gần 30.000 trẻ em với hồ sơ được ghi chép đầy đủ cho thấy những trẻ bú mẹ dưới sáu tháng có khả năng béo phì thấp hơn 12% so với những trẻ không bao giờ bú sữa mẹ. Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này có khả năng béo phì thấp hơn 5%.
Nuôi con bằng sữa mẹ được biết đến là làm giảm nguy cơ thừa cân ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân có thể là do hormone, chất dinh dưỡng trong sữa mẹ làm thay đổi vi khuẩn đường ruột của trẻ.
Sữa mẹ được tin là giúp trẻ đốt cháy chất béo hiệu quả hơn trong cuộc sống sau này thay vì lưu trữ lại và tăng cân lên. Ngược lại, sữa công thức được cho là làm tăng nồng độ insulin của trẻ so với sữa mẹ, điều này có thể khiến trẻ phát triển các tế bào mỡ nhiều và lớn hơn.
Sue Ashmore, giám đốc của Unicef nước Anh, cho biết:
“Sữa mẹ được thiết kế dành riêng cho trẻ sơ sinh. Nó không chỉ hoạt động như vắc-xin đầu tiên của em bé, giúp bảo vệ chống nhiễm trùng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, bao gồm cả hoạt động như là hàng phòng thủ đầu tiên chống lại dịch bệnh béo phì”.
Sữa mẹ có chứa các kháng thể được truyền từ người mẹ, giúp tăng cường hệ miễn dịch của em bé và giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và virus.
Cũng có bằng chứng cho thấy trẻ bú sữa mẹ có IQ cao hơn và ít có nguy cơ béo phì vì sữa công thức có nhiều chất béo.
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng được cho là có lợi cho người mẹ vì giúp người mẹ gắn kết với trẻ sơ sinh. Đồng thời cho con bú cũng giúp các mẹ giảm cân vì các bà mẹ cho con bú đốt cháy tới 500 calo mỗi ngày.
Nguồn: Dailymail