Ai cũng nói chúng ta phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em, cho những mầm non, cho tương lai của nhân loại; nhưng thử hỏi đã từng có bố mẹ nào ngồi nghĩ ngược lại rằng: Phụ huynh đã làm gì để nuôi dạy nên một thế hệ con trẻ tốt đẹp hơn cho thế giới này chưa?Chắc là chưa.
Câu chuyện mới đây được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã ít nhiều mang lại rất nhiều tranh cãi và cả những hoang mang, phẫn nộ cho mọi người, khi hai đứa trẻ đến nhà người khác chơi và hồn nhiên ném một con mèo con qua bờ tường xuống đất. Tất nhiên, là một chú mèo bé xíu chưa có khả năng tự vệ thì việc làm ấy chẳng khác nào đẩy nó vào chỗ chết. Ấy thế nhưng khi cô bé chủ của con mèo đang gào lên vì đau đớn và phẫn nộ, thì người thân của hai đứa trẻ kia chỉ cảm khái một câu là “Trẻ con thì biết gì?”, “Tụi nó là trẻ con thôi mà!”. Đó, thực ra lỗi ở trẻ con thì ít, lỗi ở những người nuôi dạy chúng thì nhiều.
Trẻ con không bao giờ NGHE lời khuyên dạy của người lớn, chúng sẽ BẮT CHƯỚC hành vi của họ. Thế nên con trẻ sẽ là bản sao hoàn hảo của bố mẹ. Rất nhiều bố mẹ đã sai ngay từ trong nhận thức. Cho rằng con của mình nói riêng và loài người nói chung là cái rốn của vũ trụ này! Con người mới là lãnh chúa, là kẻ đứng đầu của muôn loài. Con của tôi là nhất. Tất cả những thứ còn lại là bét. Kiểu vậy! Nên họ chỉ quan tâm đến việc cho con ăn no thứ con thích, chơi chán thứ con thèm, nghịch ngợm chán trong khả năng của nó. Có sao đâu, trẻ càng nghịch càng hiếu động bao nhiêu sẽ càng thông minh sáng tạo bấy nhiêu cơ mà?! Phải cho nó nghịch chứ?! Vậy là bố mẹ thả con ra, cho con tự lớn, tự vươn lên như nhành cây ngọn cỏ dại sau bờ tường mà chẳng thèm uốn nắn hay dạy dỗ cho tử tế.
Những bố mẹ ấy chắc chắn không nhận ra một chân lí rằng “It’s easier to build up a child than it is to repair an adult” (Dạy dỗ con trẻ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc phải “sửa chữa” một người trưởng thành với đầy những lỗi sai trong tính cách).
Không thể không thừa nhận rằng phần đông bố mẹ Việt đang cực kỳ yếu kém trong việc dạy con cách cư xử có văn hóa và đúng mực ở chỗ công cộng hay những nơi khác không phải nhà mình.
Với sức mạnh của công nghệ, bố mẹ sẵn sàng vứt cho con cái iPad, điện thoại để con thoải mái “lạc trôi” trong xứ sở của những trò chơi, những clip YouTube mà cũng chẳng thèm kiểm định xem chúng có hợp với con mình không, có ảnh hưởng gì tiêu cực đến sự phát triển hành vi và tính cách của con không?
Với sự ỉ lại và lười nhác, bố mẹ sẵn sàng gửi con cho người giúp việc, cho ông bà để tận hưởng cuộc sống riêng, thay vì ngồi chơi cùng con mỗi tối, uốn nắn và để con bắt chước theo những hành vi, cách ứng xử đúng đắn của mình.
Không ít người chắc chắn đã cảm thấy phát điên khi gặp cảnh trẻ con nô đùa ầm ĩ trong quán café, ném cả đồ chơi vào bát canh, nồi lẩu của mình khi đi ăn; không ít chủ quán đã phải ôm mặt khóc ròng khi trẻ nô đùa xô vỡ cả tủ bát đĩa, cả bàn thờ, hay thậm chí là làm hỏng cả tủ đồ trang điểm đắt tiền ở những trung tâm thương mại.
Bố mẹ khi ấy sẽ lại mượn cớ: Trẻ con mà, nghịch ngợm là đương nhiên. Trẻ con mà, chúng nó nhanh lắm, đuổi theo không kịp! Trẻ con mà, nó có biết cái gì đâu mà mắng nó. Chính tư tưởng bao che và đổ lỗi cho tuổi tác ấy đã khiến trẻ dần hình thành sự “miễn dịch” với những lỗi lầm của mình. Chúng không cảm thấy hối lỗi, không thấy sợ hãi, và tệ hơn là tần suất và cấp độ của những trò nghịch ngợm ấy sẽ ngày một tăng. Đến một ngày kia, chính bố mẹ của chúng cũng sẽ cảm thấy bất lực trong việc dạy dỗ con mình.
Tất nhiên, cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Và tất cả những người đang có thái độ phẫn nộ với trẻ con nghịch ngợm trong câu chuyện kia phần lớn đều là những người chưa có con. Và chưa trải qua thì khó có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng, ngược lại, hoàn toàn có cách để dạy dỗ những đứa trẻ tưởng chừng như “bất trị” ấy, những đứa trẻ luôn khiến bố mẹ cảm thấy mệt mỏi, bất lực, thậm chí là lo lắng và sợ hãi. Đó là:
– Cho phép trẻ được tự do làm theo ý mình, nhưng trong khuôn khổ và giới hạn cho phép. Con sẽ được chạy chơi, nhưng chỉ ở khu vực bàn ăn của chúng ta. Con sẽ được xem YouTube, nhưng chỉ 15 phút và sau đó phải trả lại máy cho mẹ. Cho trẻ quyền quyết định và theo dõi quyết định của chúng, luôn luôn.
– Luôn nhất quán trong cách đối xử và dạy dỗ con. Chúng ta là con người, có lúc tâm trạng xuống dốc, lúc vui lúc buồn, nhưng với con, tuyệt đối giữ một thái độ nhất quán trong mọi lúc mọi nơi. Đừng hôm nay dễ dãi, ngày mai lại nghiêm khắc quá đà. Khi không thấy sự rõ ràng ở bố mẹ, con trẻ sẽ không hình thành sự tôn trọng và sự vâng lời.
– Lập thời khóa biểu cho con, ngay cả khi con chưa đi học. Đừng để con muốn ngủ khi nào thì ngủ, chơi khi nào thì chơi, ăn lúc nào con thích. Lên lịch cho mọi thứ, đưa con vào khuôn phép cũng là cách để con làm quen với tính kỉ luật.
– Phạt là cần thiết. Nếu không, trẻ sẽ không bao giờ biết đâu là giới hạn không được vượt qua. Hãy để con thấy sợ mình, nhưng là sợ sự nghiêm khắc và nhất quán của bố mẹ, chứ không phải sợ cái roi mây.
– Không quát tháo, không la hét. Vì trẻ sẽ bắt chước y nguyên.
– Không nhân nhượng với những màn khóc lóc la hét đến khản cổ của trẻ. Chúng sẽ nhận ra tiếng gào khóc của chúng có sức mạnh vô biên. Và bố mẹ sẽ phải đáp ứng mình vô điều kiện.
– Trên tất cả, hãy để mắt đến con, 24/7 khi con ra ngoài. Đừng lơ là dù chỉ một phút, bởi trẻ con chỉ cần chưa đến một vài giây để gây ra những điều bạn không bao giờ ngờ tới. Hãy cẩn thận!
Theo Tri thức trẻ