Nếu bạn đang làm bố mẹ của một cô/cậu bé 2-3 tuổi, tôi tin chắc rằng bạn đã từng ít nhất 1 lần (nếu không nói là 1 lần/tuần) trở thành “nạn nhân” của một vụ ăn vạ giữa chốn đông người.
Đó có thể là khi trong siêu thị, khi bé đòi mua một món đồ chơi. Có thể là giữa đường phố, khi vừa đi ngang qua một hàng kem. Hay đơn giản chỉ là bé đột nhiên muốn một thứ gì đó mà bạn không thể nào đáp ứng ngay tức thì.
Các phản ứng ăn vạ của bé sẽ thế nào? Nhẹ nhất là khóc, vùng vằng, không chịu tiếp tục đi. Nặng hơn là ngồi phệt xuống đất, nằm lăn ra sàn, chân tay đạp tứ phía và mồm miệng không ngừng gào.
Vậy bạn nên làm gì lúc đó?
Rất nhiều mẹ từng hỏi tôi: Tee có từng như vậy? Lần nào tôi cũng cười rất tươi. Có chứ. Nhiều là đằng khác. Nhưng nhờ có chuẩn bị cũng khá kĩ lưỡng nên tôi đối diện với chuyện đó cũng có phần dễ dàng hơn. Sau đây, tôi sẽ chỉ cho bạn những bước có thể giúp bạn dễ thở hơn với hành động ăn vạ nơi công cộng của con.
1. DẠY BÉ PHÂN BIỆT CÁI GÌ CỦA CON, CÁI GÌ KHÔNG PHẢI CỦA CON.
Ví dụ:
Đồ chơi của con là của con. Con hoàn toàn có quyền quyết định sẽ chơi cùng ai, cho ai mượn, khi nào đòi lại…
Điện thoại là của bố mẹ. Con không được phép nghịch khi chưa được sự đồng ý của bố mẹ.
Quần áo, giày dép, ba lô, cốc uống nước… là của con. Con có quyền ném, vứt, đập, làm hỏng, làm bẩn, tùy ý con. Nhưng nếu mất/hỏng/bẩn, bố mẹ có thể không mua lại đồ mới cho con. Hoặc nếu cần bố mẹ mua lại, thì con sẽ cần đi học hợp tác để bố mẹ đi làm kiếm tiền.
Đồ chơi ở siêu thị, kem ở cửa hàng… đều là đồ của cô/chú/bác. Muốn mua cần phải có tiền. Tiền của bố mẹ cần phải mua đồ ăn, đồ uống, không phải lúc nào cũng có để mua bất cứ thứ gì con muốn.
…
Tốt nhất, bạn nên bắt đầu dạy con những điều như vậy khi bé 1 tuổi hoặc thậm chí dưới 1 tuổi. Đừng nghĩ bé chưa biết gì. Đó là thời điểm vàng để bạn dạy con, nếu không muốn gặp những tình huống như vòi vĩnh.
2. NÓI CHUYỆN VỚI CON, GIẢI THÍCH CHO BÉ HIỂU, LUÔN TÌM CÁCH HỎI GỢI MỞ CHO BÉ.
Hãy thử hình dung bạn là một đứa trẻ, bạn cực thích một món đồ, nhưng bố mẹ bạn vốn không hề dạy cho bạn biết món đồ đó thuộc về ai hoặc cần phải làm gì để có được nó. Thế nhưng khi bạn bắt đầu thỏ thẻ suy nghĩ của mình, thì họ lại chau mày nói Không rõ dứt khoát như thể bạn vừa làm điều gì sai, rồi lạnh lùng khéo bạn đi khỏi khu đồ chơi như thể bạn sắp mang tai họa gì đến cho họ vậy. Bạn sẽ làm gì? Dĩ nhiên, bạn sẽ òa khóc, nằm lăn ra, tìm mọi cách để ở lại nơi đây càng lâu càng tốt, với hi vọng họ sẽ thay đổi ý định.
Sự thật là chẳng ít các bố mẹ, vốn không hề giải thích hay nói chuyện cho bé hiểu mà mắng qua quýt hay lôi xềnh xệch con đi cho xong chuyện.
Điều bạn cần làm bây giờ là hãy ngồi xuống, dành lại một chút thời gian để chia sẻ, tâm sự cùng con. Hãy hỏi con vì sao con thích món đồ này, nó có gì đặc biệt, rồi thử chăm chú lắng nghe con trình bày suy nghĩ của mình. Sau đó, nếu bạn không thể mua cho bé, hãy đặt những câu hỏi gợi mở để con tự trả lời.
Ví như bạn Tee, nếu bạn í đòi cầm một món đồ chơi về, tôi sẽ hỏi: Theo con, đó là của ai. Bạn í sẽ tự hiểu đó là của các chú bán hàng. Nếu bạn í muốn mua, tôi sẽ nói: Nhưng muốn mua thì cần tiền, mà mẹ hiện tại thì không có đủ. Vì mẹ còn cần mua đồ ăn, mua dưa hấu, mua sữa chua cho con. Theo con, chúng ta cần phải làm gì? Bạn í sẽ nói sau này con lớn, con sẽ đi làm kiếm tiền để mua. Hoặc con sẽ viết thư cho ông già Noel để xin quà…
Bạn sẽ chỉ mất chừng 3-5 phút để giải thích cho bé hiểu và lắng nghe tâm sự của bé, nhưng sẽ tránh được “mối họa” ăn vạ trong cả 10-15 phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ.
Tôi tin tất cả những em bé được bố mẹ ân cần nói chuyện và giải thích đều sẽ không ăn vạ (ít nhất là trong tình huống đó).
3. CHO BÉ THỜI GIAN NÁN LẠI
Nếu bé muốn kem, hãy cho bé đứng lại trước cửa hàng kem một lát, dù chỉ để nhìn người ra vào đang mút cây kem. Nếu bé thích đồ chơi, hãy để bé nán lại thêm một chút, sờ mó, chỉ chỏ, nghịch ngợm món đồ. Đếm ngược nếu bạn không có quá nhiều thời gian. Và yêu cầu sự hợp tác và tự giác của con. Hãy để bé tự giác rời đi trong nụ cười và hi vọng chứ không phải trong cái giằng tay và nước mắt.
4. THỎA THUẬN
Nếu các mẹ chuẩn bị đưa con tới siêu thị hoặc từ xa nhìn thấy một “điều gì đó bất thường” (như hàng kem chẳng hạn), hãy thỏa thuận với con.
Thỏa thuận chứ không phải MUA CHUỘC các mẹ nhé. Nếu bạn nói: Con đi siêu thị với mẹ, không được đòi đồ chơi, lúc về mẹ sẽ thưởng cho cái kẹo. Bất cứ hành động nào mà phải mất gì đó để đổi lại thì đều sẽ phản tác dụng.
Thỏa thuận đơn giản chỉ là nói với con trước những điều gì có thể xảy ra. Ví dụ như: Chúng ta sắp đi siêu thị. Ở đó con có thể bắt gặp nhiều đồ chơi. Nhưng mẹ sẽ không mua đâu vì mẹ cần tiền để mua đồ ăn nữa. Mẹ cần sự hợp tác của con.
Đừng quên ôm con, high five với con các mẹ nhé.
5. CHO CON THỜI GIAN KHÓC
Nếu tất cả những phương pháp chuẩn bị ở trên đều không có tác dụng, em bé của bạn cuối cùng cũng ăn vạ, vậy thì việc của bạn ngay lúc này đơn giản chỉ là để con được khóc. Dừng ngay những câu nói mang tính chất đe dọa như: Nín ngay/ Có thôi không thì bảo/ Muốn ăn đòn không/ Mẹ đi về trước nhé…
Bạn nên ngồi xuống cạnh bé, nói với bé rằng con cứ khóc, mẹ sẽ đứng chờ, khi nào con bình tĩnh chúng ta sẽ nói chuyện. Sau đó, đi cách xa chỗ con vài bước, tìm một chỗ ngồi thoải mái, hoặc một chỗ đứng có điều hòa chĩa vào mát rượi để hạ hỏa.
Nhưng tuyệt đối đừng bao giờ bỏ đi. Bé sẽ nghĩ sao khi ngay đến cả mẹ cũng có thể dễ dàng rời bỏ bé đến thế? Hãy đảm bảo con luôn trong tầm mắt của bạn và bạn đứng đủ gần để bé cũng nhìn thấy bố mẹ.
Sau 5 phút, bạn có thể lại gần ân cần, hỏi han con có cần sự giúp đỡ. Nếu thấy bé đã xuôi xuôi bình tĩnh, nhẹ nhàng nói chuyện, giải thích với con sự việc. Nếu bé vẫn tiếp tục có dấu hiệu ăn vạ, cho bé thêm 5-10 phút nữa.
6. ĐỪNG QUAN TÂM TỚI NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH
Có mẹ tâm sự với tôi: Con em khóc nơi công cộng, em cũng không sợ bằng những lời dè bỉu, đàm tiếu của thiên hạ.
Các mẹ ơi, những người qua đường đó, họ có cho bạn tiền nuôi con không, con bạn không hợp tác họ có giúp bạn dạy dỗ con không, nửa đêm con quấy nhiễu họ có dỗ con cho bạn ngủ không? Vậy tại sao bạn phải lo sợ họ.
Sau một chuỗi những hoạt động “mẹ mìn” như ăn dặm tự chỉ huy, rèn con tự ngủ, tự chơi, tôi đã luyện được chiêu “Mặc kệ người ta nói”. Và tôi thấy mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều.
Trong một cuốn sách tôi đang đọc, tác gỉa có viết: Nếu có một em bé đang ẵm ngửa khóc nơi công cộng, mọi người sẽ nhìn bạn với ánh mắt cảm thông và nói “Có thể ai đó cần bú sữa hoặc ngủ trưa”. Nhưng nếu một em bé biết đi ăn vạ, mọi người sẽ quăng cho bạn những cái nhìn như thể bạn chẳng hề biết làm mẹ.
Thế đấy, chuyện thiên hạ, cứ để thiên hạ lo.
7. CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI ĐỒ ĐẠC
Nếu bé ăn vạ, ném đồ đạc cá nhân (giầy, mũ, áo…), hãy yêu cầu con phải nhặt lên trước khi bé rời đi. Đừng là người nhặt giúp bé, nếu bạn không muốn bé sẽ tiếp tục làm chuyện đó những lần tiếp theo.
Nếu bé không làm thì sao ư? Bạn có sẵn sàng rời đi mà không có món đồ đó không? Nếu có thì thật tuyệt. Hãy cho bé một bài học về việc không trân trọng đồ đạc của mình. Nếu có thể đừng mua lại cho bé vội.
Còn nếu bạn không nỡ để nó lại, bạn có thể nhặt, nhưng hãy cất lên cao hoặc không cho con dùng nó trong một thời gian dài. Cho đến khi bé liên tục nhắc và phải xin lỗi đồ vật mới được phép sử dụng lại.
Có lần Tee vứt lại một chiếc giày, tôi mặc kệ. Và đi tầm chục bước, tự bạn í phải quay lại nhặt giày với sự giúp đỡ của mẹ, sau khi bạn í mở lời “Mẹ có thể giúp con được không?”
Lần khác, Tee vứt xe đạp giữa đường. Tôi thực lòng không nỡ để nó lại nhưng lại muốn dạy cho con một bài học. Tôi thấy con vừa đi vừa ngoái lại để trông xe. Nhưng đến ngã rẽ trước mặt, thì cậu í òa khóc và chạy lại nhặt xe, lái một mạch về nhà.
8. KHÔNG DẠY DỖ CON TRƯỚC MẶT NGƯỜI KHÁC
Nếu xung quanh bạn đang có rất nhiều người thân quen và bé của bạn có dấu hiệu chuẩn bị ăn vạ hoặc không hợp tác. Hãy đưa con ra một nơi vắng vẻ, không có ai xung quanh để giải thích và nói chuyện. Mục đích vừa để mọi người không thể can thiệp vào cách bạn dạy con, vừa để bé không cảm thấy xấu hổ và cố tình chống đối bạn trước mặt người thân khác.
Sau khi trò chuyện xong xuôi và thống nhất, hãy cùng con vui vẻ trở vào.
Có lần, một đứa bạn mắt tròn mắt dẹt thì thầm hỏi tôi: Rút cuộc mày có phép nhiệm maù gì mà trước và sau khi quay trở lại bàn ăn, thằng bé khác thế?
Phép nhiệm màu đó mang tên: Lắng nghe và trò chuyện. Vậy thôi.
9. CHẤP NHẬN
Cuối cùng, sau tất cả những bí kíp, mánh khóe, điều cuối cùng tôi muốn nói với bạn chính là: Hãy chấp nhận sự ăn vạ của con. Chẳng có một đứa bé nào chưa từng ăn vạ. Và dù bạn có chuẩn bị kĩ lưỡng, có là bà mẹ kiên nhẫn thế nào đi chăng nữa, cũng sẽ có lúc bé khóc lóc và thực sự khiến bạn bực mình.
Hãy đứng cách xa con, học cách hít thở để tự trấn an bản thân và chấp nhận sự thật đó. Ăn vạ cũng là một bài học để bé lớn và hiểu bé cần làm gì để thuyết phục hoặc giải thích hay nói chuyện để người lớn hiểu hơn là chỉ năm đó và khóc. Quan trọng là cách bạn đương đầu với tình huống đó như thế nào.
NHỮNG ĐỨA TRẺ CHỈ LÀ THIÊN THẦN KHI CHÚNG NGỦ, bạn nhớ chứ ?
Nguồn: – Mẹ Tee-